Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư nhờ dân số trẻ

Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư nhờ dân số trẻ

(ĐTCK) Dân số trẻ chính là động lực của nền kinh tế Việt Nam hiện tại và tương lai vì vừa là lực lượng lao động hùng hậu cho sản xuất, vừa là thị trường tiêu dùng tiềm năng.

Đó là cơ sở cho niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam, được chia sẻ tại Diễn đàn kết nối cơ hội đầu tư được Viet Capital tổ chức ngày 23 và 24/10 tại TP. HCM.

Diễn đàn có 5 phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế khác nhau, thu hút hơn 300 khách và diễn giả trong và nước ngoài tham gia.

Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư nhờ dân số trẻ ảnh 1

Nhiều diễn giả cho rằng, Việt Nam nên tập trung hướng tới sự phát triển bền vững hơn là tăng trưởng nhanh

“Năm 2008, khi nghĩ về Việt Nam , tôi cũng hơi lo ngại vì tình hình kinh tế được đánh giá là khá xấu. Hiện tại, Việt Nam cũng đang trải qua một giai đoạn khó khăn khác, nhưng theo đánh giá của tôi thì tình hình bây giờ tốt hơn nhiều so với những năm trước đây. Con đường tăng trưởng của Việt Nam đã bị ngưng lại trong những năm vừa qua sẽ lại tiếp tục, bởi những đứa trẻ của thời kỳ bùng nổ dân số Việt Nam sắp bước vào lứa tuổi thanh niên. Đây là nguồn khách hàng lớn cho thị trường tiêu dùng”, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam chia sẻ tại phiên thảo luận Chuyên đề ngành hàng bán lẻ và tiêu dùng thuộc Diễn đàn.

Thực tế, bức tranh kinh tế Việt Nam hiện còn nhiều màu trầm. Theo một khảo sát về lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới do TNS thực hiện, người tiêu dùng vẫn rất quan ngại. Hơn một nửa dân số Việt Nam đang tiết kiệm ở mức cao hơn so với thời kỳ trước. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh bán lẻ. Thu nhập giảm trong khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại khiến đa số người tiêu dùng “giữ thế phòng thủ”, chỉ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, y tế, giáo dục…

Niềm tin tiêu dùng của người dân là yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam .

“Đã có nhiều người hỏi tôi, liệu Việt Nam có đang trong giai đoạn suy thoái và sắp tới lạm phát lại tăng lên? Đúng là nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương, nhưng với tình hình kinh tế khó khăn chung, việc duy trì được một số chỉ số kinh tế vĩ mô như hiện nay không phải là dễ dàng”, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết trong phiên thảo luận Chuyên đề thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Sanjay Kalra, dù nền kinh tế Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn, nhưng thâm hụt ngân sách hay nợ công vẫn đang được giữ ở mức chấp nhận được. Tỷ giá hay giá trị của đồng Việt Nam cũng được đánh giá là đang ổn định. Vấn đề trước mắt của nền kinh tế chính là lạm phát có thể quay trở lại, nếu mức nới lỏng tiền tệ không phù hợp.

Cùng với việc kiểm soát đà tăng của lạm phát thì việc phải tiếp tục duy trì lòng tin ổn định cho đồng Việt Nam trong trung và dài hạn là bài toán đặt ra cho Chính phủ Việt Nam. Giai đoạn này, Việt Nam không nên quá chú trọng đến yếu tố tăng trưởng cao, mà tăng trưởng bền vững mới là mục tiêu cần hướng tới.

“Không cần phải đặt nặng vấn đề GDP tăng 5% hay 7% trong thời gian tới. Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn đến những tiềm năng tốt của mình. Những tiềm năng mà không nhiều nước trên thế giới có, như dân số trẻ và chăm chỉ”, ông Sanjay Kalra nói.

Theo ông Marko Breu, Giám đốc điều hành Công ty McKinsey & Company Việt Nam , năng suất lao động cũng chính là lời giải cho bài toán tăng trưởng của Việt Nam . Nếu muốn duy trì tăng trưởng kinh tế cao thì Việt Nam cần tăng năng suất lao động khoảng 5 - 7%.

“Hàn Quốc cũng đã trải qua giai đoạn tương đương như nền kinh tế Việt Nam hiện tại và Hàn Quốc cũng đã quyết tâm tăng năng suất lao động để duy trì tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần có những quyết sách mang tính chiến lược cho vấn đề này”, ông Marko Breu nói.

Tại Diễn đàn, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, vẫn còn cửa cho tăng trưởng kinh tế, vấn đề là có mở đúng không mà thôi.

“Chúng ta đang phải trải qua giai đoạn lạm phát cao. Sau suy giảm kinh tế thì lạm phát đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Tuy nhiên, đa số dân số Việt Nam ở nông thôn, nên thị trường tiêu dùng ở đây vẫn còn tiềm năng. Tại sao chúng ta lại cứ đầu tư vào hàng xa xỉ, trong khi 63% dân số Việt Nam vẫn đang sống ở mức bình thường”, ông Ralf Matthaes nhìn nhận.

Các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn cho rằng, cùng với tăng năng suất lao động thì kích thích tiêu dùng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.           

 

Ông Andrew Nguyễn, Tổng giám đốc IFB Holdings

Tiêu dùng của người Việt Nam đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, lạm phát khiến thu nhập không theo kịp đà tăng của giá, đã ít nhiều làm người tiêu dùng dè dặt hơn. Không chỉ với người bình thường mà lạm phát cũng ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu. Bây giờ, mua sắm gì người ta cũng suy xét rất kỹ, chọn lựa, nghiên cứu nhiều thời gian hơn.

Người Việt Nam có nhiều thói quen riêng trong mua sắm, như chỉ thích mua sắm vào những dịp lễ tết; thích dùng tiền mặt để thanh toán… Chính các thói quen này hạn chế chi tiêu và chưa thúc đẩy tiêu dùng thực sự.

Muốn tăng trưởng bền vững, sản phẩm của DN phải tạo được uy tín, thương hiệu. Sản phẩm phải hướng đến nhu cầu thực của người tiêu dùng và có giá cả phù hợp.

 

Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt

Mức tăng trưởng GDP hơn 5% trong 2012 là phù hợp. Chúng ta đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng cao và chúng ta cũng đã trả giá. Các nhà hoạch định chính sách đã nhìn thấy vấn đề và sẽ có những thay đổi. Khi ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể quay lại mức tăng trưởng 6 - 7%, nhưng quan trọng nhất vẫn phải là phát triển bền vững.

 

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam

Thâm hụt ngân sách của Việt Nam hiện vẫn ở mức chấp nhận được. Nguy cơ nợ công của Việt Nam không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, có một vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc là chúng ta chưa xem xét rõ vấn đề dự phòng rủi ro đối với các doanh nghiệp nhà nước. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong các ngân hàng thương mại, mức độ ảnh hưởng của các khoản nợ này đối với các ngân hàng thương mại và nền kinh tế thế nào vẫn chưa được đánh giá rõ.

Tôi cho rằng, Chính phủ đang làm khá tốt để giữ tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải. Chính phủ cũng đã đưa ra các gói kích thích hỗ trợ cho một số dự án, tuy nhiên, nguồn vốn đưa ra không đủ để có thể kết thúc dự án. Các bộ ngành nên xem xét cấp vốn để hoàn thiện những dự án tốt.