Ông Martin Rama: Nếu theo mức chi tiêu hiện nay, VN nợ khoảng 15% GDP.

Ông Martin Rama: Nếu theo mức chi tiêu hiện nay, VN nợ khoảng 15% GDP.

"Việt Nam vẫn cần lưu tâm những cú sốc từ bên ngoài"

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động gắn với Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khai mạc sáng nay (1/12) tại Hà Nội với chủ đề "Vượt qua thách thức của kinh tế toàn cầu".

Một trong những nội dung thảo luận tại diễn đàn là tình hình kinh tế - xã hội VN trong những tháng biến động vừa qua. Trước giờ khai mạc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Martin Rama, quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN:

 

Ưu tiên ổn định

 

Tôi vẫn nhớ tại hội nghị CG giữa kỳ hồi tháng 6, thời điểm những lo lắng về lạm phát đã trở nên rõ ràng, ông vẫn kỳ vọng, lạc quan về VN. Còn hiện nay?

 

Tôi vẫn còn lạc quan về VN. Thời điểm cuối năm 2007, có rất nhiều vốn đổ vào. Các nhà đầu tư hứng thú về mục tiêu tăng trưởng của VN. Thời điểm Hội nghị CG giữa kỳ có nhiều lời nói rằng VN không hành động trước tình thế khó khăn nảy sinh nhưng thực tế VN đã làm và chúng ta đã có thể nhìn thấy những hiệu quả nhất định của các giải pháp.

 

Câu hỏi hiện giờ là: Điều gì sẽ xảy ra? Nhiều người tỏ ra bi quan về những thách thức, khó khăn. Chúng tôi có những lo lắng nhất định về những thách thức VN phải đối mặt nhưng cho đến giờ, chúng tôi chưa bao giờ đánh giá thái quá về tình hình ở VN.

 

Năm nay, kinh tế thế giới khá khác biệt tạo sức ép khiến có ý kiến cho rằng VN nên rà soát lại mục tiêu tăng trưởng có thể chỉ đạt 5%. Ngay cả dòng ý kiến lạc quan cũng nhận định nên xem lại con số tăng trưởng mà VN có thể đạt được. Chúng tôi đang vẫn tiếp tục nghiên cứu về con số này.

 

Mặc dù tình hình trong nước đã dễ thở hơn so với mấy tháng qua nhưng VN vẫn phải lưu tâm về những cú sốc bên ngoài của kinh tế toàn cầu. Cũng giống như các nền kinh tế khác, VN không thể nằm ngoài sự tác động.

 

Sự thận trọng mà ông nhấn mạnh có thể thấy rõ ở việc Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ 7% xuống 6,5%. Theo ông, sự thận trọng này cần thiết và tại sao?

 

Thời điểm này, sự ổn định là điều ưu tiên. Kinh nghiệm của các nước có thu nhập trung bình là có thể có khủng hoảng lớn. Họ không có hệ thống tài chính phức tạp, đủ mạnh để huy động vốn nhưng cũng vì thế mà dễ gặp rắc rối trước tác động của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Do đó cái giá của khủng hoảng là rất lớn.

 

Chính phủ đã đúng khi quyết định đặt ưu tiên số một là không để xảy ra khủng hoảng, dù thực tế khả năng rủi ro khủng hoảng của VN rất thấp. Vấn đề là Chính phủ sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu của mình thế nào. Cần chú trọng cân bằng chi tiêu bởi theo tình hình hiện nay, tỉ lệ tiết kiệm của VN vào khoảng 30% GDP trong khi đang đầu tư khoảng 45% GDP. Nếu theo mức chi tiêu này, VN nợ khoảng 15% GDP.

 

Mục tiêu kiên quyết không để lạm phát quay lại trong năm 2009, tiếp tục coi kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một có ý nghĩa gì trong việc đảm bảo cơ sở cho sự tăng tốc tăng trưởng sau khi đạt được ổn định, theo ông?

 

Về kiềm chế lạm phát, kinh nghiệm của năm 2007 và 2008 cho thấy sự nhạy cảm đối với thị trường thế giới. Những gì xảy ra hồi tháng 3, tháng 4 và tháng 5 về giá lúa gạo là rất rõ ràng.

           

Chúng tôi tiếp tục quan ngại về việc các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước sử dụng vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính.

 

Nếu nhìn vào lạm phát đồng tiền ở VN, chỉ số giá tiêu dùng về hàng hóa, vận tải… tất cả đều tăng nhưng mức tăng không quá đột ngột. Như thế vẫn có những tích cực nhất định. Lạm phát đồng tiền lại đang có dấu hiệu giảm xuống. Tất nhiên nếu chừng nào giá cả vẫn còn cao thì khó tránh khỏi chuyện lạm phát.

 

Điều tôi muốn nhấn mạnh là đặt ưu tiên cho sự ổn định, kiềm chế lạm phát đồng tiền và cân bằng sự chi tiêu ngân sách là sự đúng đắn.

 

Không có nguy cơ phá sản hàng loạt

 

Một trong những dư chấn của cơn bão lạm phát mà nhiều người hay nhắc tới, đó là sẽ có sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ước tính khoảng 20%, đặc biệt vào thời điểm cuối năm nay hoặc đầu năm 2009. Nhận định của ông?

 

Tôi nghĩ dường như đã có lúc cụm từ “phá sản” đã không được hiểu chính xác, nhất là chuyện phá sản ở VN là điều khó. Có thể có doanh nghiệp phá sản, nhưng con số đó có thể là một vài, chứ không thể là phá sản hàng loạt. So sánh với các quốc gia khác trong khu vực, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở VN ở một cấp thấp hơn, phần lớn tự góp vốn chung kinh doanh.

 

Trong khi đó, bản chất của sự khó khăn đang thay đổi. Khó khăn lớn được nhắc tới là các doanh nghiệp phải trả lãi suất - đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến xây dựng và phát triển nông thôn - không có đủ tiền để trả ngân hàng. Nhưng lãi suất thương mại đang bắt đầu giảm xuống. Chúng tôi không nhìn thấy nguy cơ phá sản hàng loạt. 

 

Vì sao WB lên tiếng lo ngại đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng?

 

Chúng tôi tiếp tục quan ngại về việc các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực tài chính. Thực ra nếu có cơ hội, mọi người có thể đa dạng hóa khả năng kinh doanh theo cơ chế thị trường thích hợp. Nhưng vấn đề là thời điểm hiện tại, bong bóng bất động sản quá lớn và các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước nhảy vào.

 

Tại sao trước đó họ không nhảy vào đầu tư? Diễn biến nội tại của kinh tế có vẻ như là lời mời hấp dẫn cho họ.

 

Vấn đề lớn đầu tiên, đó là tình trạng bong bóng bất động sản. Thứ nữa, điều chúng tôi lo ngại có sự kiểm soát tài chính, ngân hàng liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực này. Nhiều cuộc khủng hoảng ở các quốc gia thu nhập trung bình, trong đó cả ở khu vực châu Á, đều liên quan đến các nhóm lớn nắm giữ cả quyền lợi thương mại và quyền lợi tài chính.

 

Chúng tôi đang thảo luận với Chính phủ về giải pháp rà soát lại việc quản lý vốn đầu tư của tất cả các tập đoàn.