Hiện Việt Nam đang được nhìn nhận là tâm điểm kinh tế trong bức tranh kinh tế chung tại Đông Nam Á, trong khi đó Philippines cũng đang âm thầm trở lại, tạo sự chú ý trong khu vực. Cụ thể, Philippines có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, điều kiện nhân khẩu học thuận lợi và đặc biệt, tân Tổng thống nước này đang có những hành động quyết liệt trong việc cải thiện luật pháp và giảm thiểu tình trạng tham nhũng.
Trong nền kinh tế Philippines, ngành kinh doanh dịch vụ ủy thác nghiệp vụ kinh doanh (BPO) đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng. Làn sóng thuê ngoài dịch vụ đã từng xuất hiện tại Ấn Độ khoảng một thập niên trước giờ đang diễn ra tại Philippines. Tại thủ đô Manila xuất hiện nhiều trung tâm dịch vụ khách hàng (call center) tạo ra hơn 1 triệu việc làm và ghi nhận doanh thu hàng năm gần 25 tỷ USD. Mức lương tại các call center khá cao và phần lớn là đối tượng lao động còn trẻ, điều này giúp thúc đẩy tiêu dùng và góp phần tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới. Tính riêng trong năm 2016, ngành công nghiệp này dự kiến tạo thêm 1,2 triệu việc làm mới, tăng 17% so với năm 2015. Hiện ngành này đang áp sát nguồn kiều hối từ các lao động người Philippines ở nước ngoài, có khả năng trở thành nguồn vốn nước ngoài và ngoại hối lớn nhất Philippines.
Việt Nam lại đi theo một con đường khác, từng được xem là tâm điểm phát triển trong khối các quốc gia mới nổi và cận biên vào cuối thập niên trước nhưng dường như trong những năm 2011 - 2013, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do những cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng, sự suy thoái của thị trường bất động sản và lạm phát. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi đầy thuyết phục từ khó khăn nhờ các chính sách vĩ mô khéo léo, những đề xuất cải tổ kinh tế và quan trọng nhất, mức tăng mạnh của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phần lớn trong số này đã đổ vào lĩnh vực sản xuất. Đây là yếu tố thúc đẩy và giúp Việt Nam quay trở lại con đường tăng trưởng, dù vài năm trước, ngành dịch vụ và công nghệ có vẻ đạt mức gia tăng nhanh chóng.
Trong khi Philippines đã trở thành trung tâm dịch vụ khách hàng của thế giới, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành công xưởng của thế giới. Lợi thế về chi phí là yếu tố dẫn dắt chủ chốt cho cả hai quốc gia này để tạo ra hai ngành công nghiệp “mũi nhọn” tương ứng. Và điều thú vị hơn, cả Việt Nam và Philippines đều hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn từ các quốc gia đã từng là trung tâm của 2 ngành này trước đây. Cụ thể, dòng vốn rút khỏi Trung Quốc và chuyển dần sang Việt Nam; cũng như sự giảm dần của ngành kinh doanh dịch vụ ủy thác nghiệp vụ kinh doanh Ấn Độ được chuyển hướng sang Philippines. Trong từng trường hợp, các xu hướng này vẫn còn một quãng đường dài trước mắt để thực hiện và sẽ hỗ trợ tốt cho cả hai quốc gia.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn cho rằng, Việt Nam có thể có mô hình tăng trưởng tốt hơn và nhiều khả năng hơn sẽ tăng trưởng dài hạn bền vững hơn bởi mô hình tăng trưởng của Việt Nam thông qua ngành sản xuất. Cần chú ý, cơ cấu vốn lành mạnh là điều kiện tối cần thiết đối với tăng trưởng dài hạn bền vững.
Các quốc gia phải dựa vào tăng trưởng về năng lực sản xuất để kích thích tăng trưởng kinh tế và sẽ không có quốc gia nào có thể mãi phụ thuộc vào việc mở rộng lực lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì cơ cấu dân số sẽ thay đổi một cách tất yếu. Kinh nghiệm cho thấy, tốc độ tăng trưởng dài hạn của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và rất ít quốc gia từ nghèo khó đi lên thịnh vượng mà không đi kèm với sự tăng trưởng của thị trường vốn.
Trên thực tế, các nền kinh tế “kỳ diệu” của Đông Á - cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc - đều cùng đi theo một mô hình trong các năm tăng trưởng thần tốc, chính là: sản xuất hướng đến xuất khẩu nhờ đầu tư vốn mạnh vào các nhà máy và cơ sở hạ tầng, qua đó cũng tạo điều kiện tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa khi mà lực hỗ trợ cho sản xuất phục vụ xuất khẩu giảm dần. Các kinh nghiệm về kỹ thuật tích lũy trong suốt quá trình tăng trưởng sản xuất mạnh này, cũng như đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) nhờ các công ty chỉ đơn thuần lắp ráp gia công trước đây tích hợp chung với sản xuất thượng nguồn (upstream - trong chuỗi giá trị) và thiết kế, trở thành động phụ trợ kích thích tăng trưởng trong giai đoạn hậu xuất khẩu (sau khi thời kỳ xuất khẩu mạnh qua đi): tăng trưởng đến từ năng lực sản xuất. Lợi thế sản xuất quy mô lớn cũng giúp tiết kiệm năng lượng, qua đó tăng hỗ trợ đầu tư vào công nghệ và cải tiến - là yếu tố giúp năng lực sản xuất nhảy vọt.
Về khía cạnh này, dường như Việt Nam đang thực hiện tốt hơn Philippines. Trong suốt 10 năm qua, Việt Nam tạo ra lượng vốn/GDP hàng năm đều cao hơn Philippines và trong vài năm gần đây, khi chênh lệch đã dần thu hẹp lại thì tỷ lệ hình thành vốn vẫn tăng 5-7 điểm phần trăm. Điều này tạo ra khác biệt đáng kể, vì tổng vốn tại một thời điểm là tổng kết quả hình thành vốn của từng năm.
Thực tế cho thấy, việc hình thành ngành xuất khẩu tập trung vào dịch vụ thuần túy (như ở Ấn Độ) không mang lại các thành quả tương tự sản xuất tập trung vào xuất khẩu (như ở Trung Quốc). Sản xuất đòi hỏi nhiều lao động phổ thông, thường là đối tượng có thu nhập thấp nhất, qua đó giúp đại đa số người dân thoát nghèo, điều mà xuất khẩu dịch vụ không thể làm được. Tăng trưởng sản xuất, đặc biệt là khi tập trung vào xuất khẩu, đòi hỏi phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và điều này giúp nền kinh tế nói chung có năng lực sản xuất cao hơn trong những năm tới. Đường bộ nối liền các địa phương, cho phép thương mại diễn ra từ ngay cả các hàng hóa và dịch vụ cơ bản nhất, qua đó giúp một tỷ lệ lớn dân số tham gia vào nền kinh tế chính thức. Ngoài ra, nhà máy và đường bộ còn mang lại hai yếu tố lớn khác kích thích phát triển kinh tế - đô thị hóa và chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam có khả năng thu hút dòng vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất tốt hơn để củng cố hơn nữa lợi thế về hình thành vốn chất lượng cao. Xét về vị trí địa lý, Việt Nam có lợi thế độc nhất khi tiếp giáp Trung Quốc - trung tâm sản xuất của thế giới. Các khu vực khác như Nam Á hay châu Phi khó có thể xây dựng hệ thống nhà cung cấp hoàn chỉnh tương tự. Đơn cử, một công ty tìm cách mở nhà máy ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa hệ thống sản xuất, thì nhà máy mới, nếu mở tại Việt Nam có thể được dễ dàng kết nối vào chuỗi cung cấp của khu vực, khác với các khu vực xa hơn như Nam Á hay châu Phi, sẽ cần nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Do Việt Nam tiếp giáp miền Nam Trung Quốc, nên có thể hưởng lợi từ châu thổ sông Châu Giang là trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc. Điều này đã được phản ánh vào tình hình thu hút FDI tăng trưởng ổn định mỗi năm với dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2015 tương đương khoảng 5% GDP. Với 70% vốn FDI chảy vào sản xuất, dòng vốn này đang tạo ra tài sản sản xuất. Philippines khó có thể sao chép mô hình này vì địa hình phức tạp, gồm rất nhiều đảo và đồi núi, cũng như không có giao thông đường bộ kết nối với Trung Quốc, nên khó có thể hòa nhập dễ dàng vào chuỗi cung trong khu vực.
Cơ cấu dòng vốn FDI vào Việt Nam thay đổi cũng cho thấy, chất lượng vốn hình thành thông qua kênh này đang cải thiện. Từ các sản phẩm giá trị gia tăng thấp như đồ gỗ và mạt gỗ, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trở nên tiên tiến hơn rất nhiều với hàng điện tử chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Intel, Samsung, và LG đều đã có mặt tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành trung gia công chip, điện thoại di động, ti vi màn hình phẳng. Trong khi Philippines đang thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, điều này không thể mở rộng lên quy mô lớn như sản xuất và do đó, tác động đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn còn hạn chế.