Việt Nam - Trung Quốc thống nhất nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại song phương

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương như tăng hợp tác nông nghiệp, hợp tác phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Việt Nam - Trung Quốc thống nhất nhiều giải pháp thúc đẩy dòng chảy thương mại song phương.

Việt Nam - Trung Quốc thống nhất nhiều giải pháp thúc đẩy dòng chảy thương mại song phương.

Nhiều nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó đưa nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mại song phương giữa 2 nước đã được Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Vương Văn Đào đưa ra tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Trung Quốc có nhu cầu nhập nhiều hàng hóa Việt Nam

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trên thế giới (năm 2022); đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc đồng thời mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực cũng như hoàn tất các thủ tục thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) trong năm nay.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khẳng định: "Sẵn sàng phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm, Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam, minh chứng là chỉ sau 10 tháng kể từ khi sầu riêng được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt xa con số này trong cả năm 2023.

"Bộ Thương mại sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam. Đối với vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc; đồng thời các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc", Bộ trưởng Vương Văn Đào nói.

Tiếp tục mở cửa cho nhiều loại hàng hóa

Với vai trò và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung, 2 Bộ trưởng đã thống nhất một số vấn đề cần giải quyết và lĩnh vực trọng điểm cần tăng cường hợp tác, mục tiêu đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung phát triển theo hướng ổn định hơn, cân bằng và bền vững hơn.

Cụ thể, về đề nghị phối hợp phân luồng thông quan nhằm tránh tái diễn ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Thương mại Trung Quốc nói, sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân Việt Nam, hỗ trợ phát hiện thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, thông qua việc cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chỗ đứng trên thị trường tỷ dân.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã xây dựng được gian hàng quốc gia trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc; nhiều sản phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng và bán rất chạy.

Bộ trưởng Vương Văn Đào đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương như tăng cường hợp tác nông nghiệp; hợp tác phòng vệ thương mại, hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy mở/nâng cấp cửa khẩu biên giới, xây dựng cửa khẩu thông minh và nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan…

Về đầu tư, hai bên chia sẻ những quan tâm của nhau trong lĩnh vực đầu tư đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.

Theo đó, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục triển khai các dự án sử dụng Quỹ hợp tác đặc biệt Mê Kông - Lan Thương trong đó mở rộng quy mô và lĩnh vực cung cấp viện trợ không hoàn lại cho phía Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ triển khai gói viện trợ không hoàn lại. Ở chiều ngược lại, phía Trung Quốc cũng chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế số, phát triển xanh; tăng cường hợp tác công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh..

Phản hồi về các đề xuất của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Trung Quốc cùng phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại và thương mại điện tử; sẵn sàng phối hợp thúc đẩy các bộ ngành và địa phương liên quan trong việc mở/nâng cấp các cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan cũng như tăng cường hợp tác về nông nghiệp.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan trong 10 tháng năm 2023 (tăng 5,1% so với cùng kỳ 2022), đạt gần 50 tỷ USD.

Đây là một trong số ít những thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng của xuất khẩu.

Tin bài liên quan