Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát, CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25%

0:00 / 0:00
0:00
Dù lạm phát ở nhiều quốc gia trên toàn cầu vẫn đang ở mức cao, Việt Nam vẫn tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt. CPI tháng 12/2023 tăng 3,58% so với tháng 12/2022, còn CPI bình quân tăng 3,25%.
Giá xăng dầu giảm đã có tác động tích cực, giúp kiểm soát tốt tốc độ tăng CPI năm 2023

Giá xăng dầu giảm đã có tác động tích cực, giúp kiểm soát tốt tốc độ tăng CPI năm 2023

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. Trong khi đó, nếu so với cùng kỳ năm trước, mức tăng là 3,58%. Còn nếu tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Phân tích về diễn biến CPI năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm nay, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm dần, sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm.

Dù vậy, so với mục tiêu dài hạn, mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12/2023 tăng 3,58% so với tháng 12/2022; còn bình quân, chỉ tăng 3,25%.

Theo Tổng cục Thống kê, có nhiều yếu tố khiến CPI năm 2023 tăng. Trong đó, đáng chú ý có việc chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước, do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

Chỉ số giá nhóm lương thực cũng tăng tới 6,85%, tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, giá gạo tăng 6,77% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,33%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,5 điểm phần trăm…

Việc giá điện tăng, giá dịch vụ y tế tăng… cũng đã ảnh hưởng tới mức tăng của CPI trong năm nay. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, cũng đã góp phần làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm.

Hơn nữa, điều quan trọng, theo Tổng cục Thống kê, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2023. Chính sách tiền tệ cũng góp phần quan trọng giúp lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt.

Không chỉ lạm phát CPI được kiểm soát tốt, mà lạm phát cơ bản cũng vẫn đang ở xu thế tích cực. Số liệu cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94%. Đây là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Cả lạm phát cơ bản và lạm phát CPI đều đang được kiểm soát tốt. Tuy vậy, theo các chuyên gia, đây là chỉ số luôn phải có sự theo dõi sát sao và thận trọng trong điều hành, bởi rủi ro và các yếu tố bất định là rất lớn. Năm 2024, lạm phát được dự báo sẽ cao hơn năm 2023.

Tin bài liên quan