Theo TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình cao học quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP.HCM, chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN, tính độc lập của HĐQT là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản trị, phục vụ lợi ích của cổ đông và các bên hữu quan của doanh nghiệp. Sự hiện diện của thành viên độc lập trong HĐQT được xem là thông lệ tốt cho doanh nghiệp và cổ đông.
Tiêu chuẩn chung của khu vực ASEAN đặt ra tỷ lệ 50% HĐQT là thành viên độc lập, trong khi hầu hết doanh nghiệp niêm yết Việt Nam chưa đạt được tỷ lệ 1/3 thành viên HĐQT độc lập như yêu cầu của Thông tư 121/2012/TT-BTC, áp dụng từ kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 (quy định này được giữ nguyên tại Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017).
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, năm 2016, trên HOSE, 20% số công ty niêm yết chưa có thành viên HĐQT trị độc lập, 30% số công ty chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1/3 thành viên HĐQT trị độc lập.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, không ít doanh nghiệp chia sẻ, rất khó khó tìm được người thỏa mãn tiêu chí độc lập để mời về làm thành viên HĐQT độc lập. Những người đủ tiêu chuẩn độc lập thì không hiểu biết sâu sắc về doanh nghiệp cũng như ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Được biết, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đã tìm được 2 người cho vị trí thành viên HĐQT độc lập sau nhiều năm tìm kiếm. Theo đại diện Coteccons, Công ty không dễ dàng tìm ra người vừa độc lập, không liên quan đến quyền lợi ở doanh nghiệp, vừa đủ tư cách và năng lực để có thể hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong cương vị thành viên HĐQT độc lập.
Nhằm hỗ trợ các công ty niêm yết tuân thủ quy định về quản trị công ty, tiếp cận các chuẩn mực quản trị công ty tiên tiến của các nước, cũng như giúp quy định về thành viên HĐQT độc lập có khả năng được thực thi hiệu quả hơn, tháng 12/2016, Sáng kiến Quản trị Công ty Việt Nam (VCGI) đã ra đời. VCGI do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) sáng lập.
“Một trong các mục tiêu của VCGI là giúp Việt Nam cho ra đời một Viện Thành viên Hội đồng quản trị (Institute of Directors) độc lập và có uy tín để hỗ trợ, đào tạo và cung cấp các dịch vụ liên quan cho các thành viên HĐQT, nhằm đảm bảo việc liên tục cải thiện các thông lệ quản trị công ty áp dụng tại các doanh nghiệp.
Qua kinh nghiệm làm việc với nhiều học viện như vậy trên toàn cầu, IFC tin rằng, đây chính là mắt xích còn thiếu ở Việt Nam và là bước đi quan trọng tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty”, bà Nguyễn Nguyệt Anh, Chuyên gia quản trị công ty, phụ trách Chương trình Quản trị công ty Việt Nam của IFC nói.
Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết quy định, số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 5 người và nhiều nhất là 11 người, trong đó khoảng 1/3 là thành viên độc lập không điều hành.
Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng quy định, số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 3 người và nhiều nhất là 11 người, trong đó tối thiểu 1/3 là thành viên HĐQT không điều hành. Riêng công ty đại chúng quy mô lớn và công ty niêm yết, số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 5 người và nhiều nhất là 11 người, trong đó tối thiểu 1/3 là thành viên độc lập.
Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng quy định, tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên không điều hành. Trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp (mô hình không có Ban kiểm soát), ít nhất 1/5 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập. Nếu số thành viên HĐQT của công ty đại chúng dưới 5 người, phải có 1 thành viên độc lập. Đối với công ty niêm yết, cơ cấu thành viên HĐQT phải đảm bảo tối thiểu có 1/3 là thành viên độc lập.