Chẳng hạn, các nhà tiếp thị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) nhận thức được tầm quan trọng của việc đo lường chất lượng truyền thông khi 91% đồng tình với quan điểm rằng, việc đó rất cần thiết để thúc đẩy hiệu quả quảng cáo kỹ thuật số và 98% người làm tiếp thị đã sử dụng các công cụ xác thực quảng cáo trong các chiến dịch của họ, nhưng không phải lúc nào cũng tiến hành công tác này.
Bên cạnh đó, một phần đáng kể các nhà tiếp thị tham gia khảo sát không thể đánh giá được các khoản mua phương tiện truyền thông kỹ thuật số căn cứ theo các số liệu cốt lõi về chất lượng, với chỉ 17% số người được hỏi tiến hành đánh giá các chỉ số đo lường hiệu quả quan trọng như mức độ phù hợp của nhãn hiệu, mức độ hiển thị, tình trạng gian lận quảng cáo, hay liệu quảng cáo có được chạy trên đúng khu vực địa lý đã định hay không.
Trong bối cảnh chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số tại khu vực APAC ngày càng tăng, các nhà quảng cáo cần học cách bảo vệ những khoản đầu tư của mình thông qua hoạt động xác minh liên tục, xuyên suốt các kênh quảng cáo, nhằm ngăn chặn thất thoát do vấn nạn gian lận quảng cáo cũng như các vi phạm liên quan đến hiển thị và/hoặc mức độ phù hợp của nhãn hiệu. Nghiên cứu của DoubleVerify cho thấy có một lỗ hổng lớn trong việc thấu hiểu giá trị của các chỉ số đo lường chất lượng truyền thông, dẫn đến việc triển khai không tối ưu, bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nhìn nhận chất lượng truyền thông như là nền tảng quan trọng của mọi chiến dịch, việc cấp thiết là phải đào tạo những người làm tiếp thị về tầm quan trọng của công tác xác minh.
Không thấu hiểu giá trị của các chỉ số đo lường chất lượng truyền thông dẫn đến việc triển khai không tối ưu, bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Đáng lưu ý, sự thay đổi trên bình diện truyền thông xã hội và sự nổi lên của hình thức truyền thông phục vụ bán lẻ đang góp phần tái định hình các chiến lược khai thác các nền tảng kỹ thuật số của giới quảng cáo.
Từ những khám phá ban đầu cho tới quyết định mua sắm sau cùng, người tiêu dùng khu vực APAC ứng dụng mạng xã hội trong những giai đoạn khác nhau trên hành trình mua sắm. Tại Việt Nam, có tới 59% người tiêu dùng tin tưởng vào mạng xã hội để nghiên cứu thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng.
Các siêu ứng dụng cũng đang tạo nên một hiện tượng lớn. Đơn cử, các sàn thương mại điện tử như Lazada hay Websosanh ngày càng trở nên phổ biến với vai trò như là những kênh khám phá, vượt qua mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Google.
Ngoài ra, các nhà làm tiếp thị đang hưởng ứng mô hình truyền thông bán lẻ, với 99% nhà tiếp thị tại APAC có kế hoạch gia tăng chi phí dành cho truyền thông bán lẻ trong 12 tháng tới.
Một vấn đề khác là sự nổi lên của nền kinh tế sức chú ý (attention economy). Gần 70% người tiêu dùng tại Đông Nam Á (ASEAN) dành nhiều thời gian hơn mỗi ngày để xem các nội dung trực tuyến. Có tới 98% nhà tiếp thị tham gia khảo sát cho biết, họ sử dụng các công cụ đo lường chỉ số quan tâm để đánh giá các khoản mua truyền thông kỹ thuật số, nhưng các bộ chỉ số đo lường truyền thống hiện nay là không đủ.
Công nghệ tiếp tục biến đổi và ngành công nghiệp quảng cáo cũng không là ngoại lệ, với sự xuất hiện của quảng cáo kỹ thuật số (thập niên 2000), quảng cáo lập trình (thập niên 2010) và quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (thập niên 2020).
Cùng với đó, những phát kiến trên phương diện trí tuệ nhân tạo sẽ đem đến tác động sâu rộng đối với ngành công nghiệp quảng cáo, ví dụ khả năng dự đoán của máy học nhằm tối ưu hiệu suất quảng cáo trên nhiều lĩnh vực.
Theo Statista, Việt Nam là thị trường quảng cáo tăng trưởng nhanh thứ 3 tại Đông Nam Á, với kỳ vọng đạt 2,591 tỷ USD trong năm 2024.