
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các đối tác công bố tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 mới đây cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến của dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Báo cáo cho biết, Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024. Mức độ sôi động của các thương vụ, được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng vững chắc, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu.
Theo số liệu từ Báo cáo, mức độ tham gia của nhà đầu tư rất tích cực, khi có tới gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong năm 2024 tại Việt Nam, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới, như đầu tư vào start-up trí tuệ nhân tạo (AI) tăng gấp 8 lần so với năm trước đó, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng gấp 9 lần, số lượng thương vụ đầu tư vào các công nghệ xanh tăng gấp 2 lần.
“Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà đầu tư vốn tư nhân (VPCA), kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures chia sẻ.
Theo bà Vy, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo từ gốc và chính sách tiên phong. Việt Nam đang sở hữu các yếu tố thuận lợi hiếm có, như tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% - cao hơn phần lớn các nền kinh tế châu Á, vốn FDI giải ngân trong năm 2024 đạt 25 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023.
Với mức đóng góp của kinh tế số trong tổng quy mô GDP khoảng 18,3%, dự kiến đến năm 2030, mức đóng góp này sẽ tăng lên 35%.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện đứng ở thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững", ông Tâm khẳng định.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” với nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM. Đây là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực.
Theo ông Tâm, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế.
"Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành như Nghị quyết 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư và đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam", ông Tâm khẳng định.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ, đồng thời tăng cường hợp tác, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.