Việt Nam - Singapore tăng hợp tác kinh tế xanh - số

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam và Singapore đang tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế xanh và kinh tế số.
Ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore

Ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore

Ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Tuần lễ Sáng tạo và Công nghệ Singapore về những bước tiếp theo trong quan hệ song phương.

Tháng 2 năm nay, Việt Nam và Singapore ký Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh. Chương trình đã và đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Đây là biên bản ghi nhớ rất quan trọng và hai bên đang thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ trên cả hai khía cạnh này. Cho dù chúng ta có đạt được thỏa thuận hay không, thì nền kinh tế xanh và số hóa vẫn tiếp tục phát triển và đây sẽ là những lĩnh vực trọng tâm của cả hai nước.

Chúng ta có Thỏa thuận khung về kinh tế số giữa các quốc gia thành viên ASEAN (DEFA) và thỏa thuận này sẽ tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các nước ASEAN. Chúng tôi nhận thấy, không phải các quốc gia thành viên ASEAN có cùng mức độ tiến bộ về mặt số hóa và cũng không phải tất cả đều sẵn sàng thực hiện điều tương tự.

Vì vậy, giữa các nước thành viên ASEAN có sự đa dạng về mức độ sẵn sàng và tiến độ phát triển. Dù chúng ta có DEFA, nhưng chúng tôi khuyến khích các thành viên tận dụng các mối quan hệ mẫu mực song phương để xem chúng tôi có thể thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế số như thế nào.

Một lĩnh vực mà chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác là khơi thông luồng dữ liệu xuyên biên giới. Đây là cách có thể đảm bảo khả năng tương tác của các hệ thống số, liên kết với hệ thống thanh toán số và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho thương mại.

Chúng ta có sáng kiến Một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và thương mại khu vực với đối tác thương mại. Mỗi người chỉ cần đăng ký một cửa, sau đó tất cả các thành viên có thể truy cập dữ liệu đó thông qua cơ sở dữ liệu chung. Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu được số hóa.

Về kinh tế xanh thì sao?

Đây là lĩnh vực rất mới và đang nổi lên trong các quan hệ hợp tác song phương. Chúng tôi mong muốn khuyến khích hợp tác trong nhiều dự án, trong đó có dự án xuất khẩu điện. Cách đây 10 năm, không ai nghĩ có thể xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore, nhưng giờ chúng tôi đang thảo luận nghiêm túc về điều này.

Chúng tôi cũng đang xem xét các giải pháp carbon thấp trong nền kinh tế xanh như trồng rừng và khử carbon trong các ngành công nghiệp. Các dự án này sau đó sẽ tạo ra tín chỉ carbon và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải carbon như đã cam kết.

Chúng tôi cũng hợp tác với Việt Nam để phát triển nhiều giải pháp liên quan đến tính bền vững, bao gồm cả việc phát triển công nghệ xanh như công nghệ hydrogen mà cả thế giới đang rất quan tâm. Chúng tôi hy vọng khám phá các lĩnh vực hợp tác mới trong không gian này, như cách đảm bảo vận chuyển hydro an toàn.

DEFA được kỳ vọng sẽ gia tăng tiềm năng kinh tế số của ASEAN, mở ra cơ hội hợp tác mới. Việt Nam và Singapore sẽ phối hợp thế nào để cùng hưởng lợi từ DEFA?

Sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN về tầm quan trọng của thỏa thuận kỹ thuật số này sẽ mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp của chúng ta. Song cũng có những lo ngại là, số hóa có thể tạo ra nhiều cạnh tranh hơn từ các quốc gia khác đối với các ngành công nghiệp địa phương. Tôi nghĩ rằng, giải pháp cho vấn đề này không phải là đóng cửa, mà là hợp tác và tìm cách giúp doanh nghiệp số hóa.

Số hóa là điều không thể tránh khỏi, thay vì đi ngược lại, tốt hơn hết, chúng ta nên giúp các doanh nghiệp sẵn sàng cho thế giới kỹ thuật số. DEFA thực sự cung cấp nền tảng để các quốc gia cùng nhau hợp tác. Hai quốc gia có thể khởi động quá trình hợp tác và các quốc gia còn lại có thể tham gia.

Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đi đầu về số hóa và tôi khá tin tưởng rằng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Singapore vài năm qua, đặc biệt là trong hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ số hóa, chúng ta cần xem xét vấn đề này một cách chiến lược và toàn diện.

Đầu tiên là giúp các công ty số hóa hoạt động kinh doanh và bán hàng. Thời kỳ đại dịch, chúng tôi đã triển khai các nền tảng kỹ thuật số rất nhanh chóng. Bằng cách đa dạng hóa sang các kênh kỹ thuật số, các công ty hiện ghi nhận doanh số bán hàng cao hơn nhiều so với trước đại dịch khi họ chỉ dựa vào mặt tiền cửa hàng của mình.

Tiếp theo, chúng ta cần số hóa thanh toán. Nếu chúng ta số hóa việc bán hàng mà thực hiện thanh toán trực tiếp thì sẽ không có ý nghĩa gì. Chúng tôi đã giúp các công ty xây dựng hệ thống thanh toán kỹ thuật số và đào tạo những công nhân có kỹ năng kỹ thuật số. Chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra rằng, cần giáo dục người dân và đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.

Ngoài chính sách hỗ trợ và hệ sinh thái thuận lợi, còn chìa khóa nào khác để Singapore trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực?

Điều quan trọng là giữ thị trường luôn mở để Singapore luôn cởi mở với những ý tưởng mới và có thể tiếp cận nhân tài toàn cầu. Nhiều dự án đổi mới sáng tạo của chúng tôi không chỉ diễn ra ở Singapore. Chúng tôi có sự hợp tác ở nhiều quốc gia và nhiều phần trong hoạt động nghiên cứu và phát triển của chúng tôi yêu cầu sự hợp tác xuyên biên giới. Để Singapore trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo thành công, chúng tôi luôn coi trọng khai thác nhân tài toàn cầu.

Vì vậy, điều quan trọng đối với chúng tôi là xây dựng một hệ sinh thái cho phép dòng chảy tài năng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hai chiều - nơi các nhà nghiên cứu và khoa học có thể tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu để mở rộng quy mô ra khỏi Singapore và nơi các tài năng toàn cầu có thể tự neo đậu để tiếp cận các cơ sở nghiên cứu đẳng cấp thế giới và nâng cao năng lực hệ sinh thái của chúng tôi.

Tin bài liên quan