Việt Nam sẽ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, tương đương 5 tỷ USD trong năm 2024, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng lúa gạo, mở rộng thị trường nhằm duy trì mức giá xuất khẩu cao.
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng chất, tăng cả lượng

Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng đến mức giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc hướng tới sự bền vững cho ngành hàng này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành Nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê), đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.

Sản lượng lúa gạo tăng là tiền đề cho gạo đạt lượng lớn xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới đang tăng cao. Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn phải chú trọng tới sản lượng bởi tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu là điều không thể lường trước.

Chính vì thế, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, việc tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất gạo, cũng như cải thiện quy trình bảo quản và vận chuyển sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Đối mặt với thách thức

Mặc dù xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm là một bức tranh có gam màu sáng, song các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.

Để vượt qua những thách thức này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh. Cụ thể, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển vùng trồng lúa, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa các hộ nông dân, hợp tác xã, và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gạo cũng cần được đẩy mạnh. Điều này không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo xuất khẩu.

Đồng thời, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời, như đầu tư vào hệ thống thủy lợi, xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, và hỗ trợ tài chính cho nông dân và doanh nghiệp trong ngành lúa gạo.

Các chuyên gia ngành Nông nghiệp nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay do giá xuất khẩu gạo tăng. Điều thúc đẩy giá gạo tăng là vì Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo do sản xuất lúa gạo năm nay của quốc gia này đối diện nhiều khó khăn. Hiện, Ấn Độ chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo đó, giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu trở lại. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo trong nước cũng đối diện hạn mặn xâm nhập...

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang yêu cầu các tỉnh có diện tích xâm nhập mặn thống kê để có phương án sản xuất; chỉ đạo Cục Trồng trọt ban hành tiêu chuẩn về nguồn đất và nguồn nước, tránh xảy ra tình trạng nhiễm mặn.

Về thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi xuất khẩu lúa gạo chất lượng, như vậy mới duy trì được giá xuất khẩu cao khi Ấn Độ gỡ lệnh cấm.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công thương về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm; cùng các bộ, ngành lắng nghe khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu để có những đề xuất, giải pháp kịp thời.

Tin bài liên quan