Là thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo thường niên, theo bà, đâu là những điểm nổi bật ở nội dung quản trị công ty trong cuộc bình chọn năm nay?
Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên trong mười năm qua được xem là một trong những sáng kiến về quản trị có chất lượng tốt nhất, tạo động lực giúp các công ty niêm yết ngày càng hoàn thiện nội dung công bố thông tin trên báo cáo thường niên theo quy định hiện hành.
Các công ty lọt vào Top 50 là những công ty có xu hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt về công bố thông tin vượt trên mức tuân thủ thông thường, tạo nên lợi thế cạnh tranh của họ trong mắt các cổ đông và các nhà đầu tư trên thị trường. Các công ty thuộc sàn HOSE với tiêu chuẩn niêm yết ban đầu cao hơn sàn Hà Nội vẫn chiếm ưu thế khi giành trọn các giải cao nhất
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực từ các công ty đạt giải, đa số các công ty niêm yết còn lại trên cả hai sàn cần nỗ lực cải thiện nhiều hơn nữa, đặc biệt đối với vai trò và trách nhiệm của HĐQT trong việc xây dựng một hệ thống quản trị vững mạnh.
Phụ trách Chương trình quản trị công ty Việt Nam của IFC, bà có thể chia sẻ đánh giá của IFC về sự thay đổi trong quản trị công ty ở các doanh nghiệp Việt?
Kết quả cải thiện về quản trị của các doanh nghiệp trên thị trường nói chung và của các công ty mà IFC đang tư vấn trực tiếp cũng như đầu tư nói riêng, rất đáng khích lệ. Với một số doanh nghiệp IFC thực hiện tư vấn trực tiếp về quản trị công ty trong những năm qua đã thu hút được nguồn vốn vay và đầu tư với giá trị hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư của IFC.
Một số công ty niêm yết như Vinamilk, Novaland gần đây đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản trị từ mô hình có Ban kiểm soát sang mô hình quản trị quốc tế tiên tiến với tiểu ban kiểm toán trực thuộc HĐQT theo tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014.
Có những công ty niêm yết khác đang trong quá trình chuyển đổi bằng cách thành lập tiểu ban kiểm toán, giúp tăng cường việc thực thi trách nhiệm giám sát của HĐQT, tiến tới xây dựng HĐQT có đủ tỷ lệ thành viên độc lập theo quy định và bỏ mô hình Ban kiểm soát.
Thea bà, làm thế nào để áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt?
Minh bạch và công bố thông tin là một mảng việc quan trọng của quản trị công ty, nhưng điều này không có nghĩa là khi công ty công bố thông tin đầy đủ tức là họ đã thực hiện quản trị công ty tốt. Tuy nhiên, khi một công ty thực hiện các thông lệ quản trị tốt thì bản thân họ sẽ có cơ chế công bố thông tin minh bạch và đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Nguyệt Anh
Tại IFC, chúng tôi đánh giá tình hình quản trị tại các công ty theo phương pháp luận do bộ phận tư vấn quản trị toàn cầu của IFC xây dựng và phương pháp này đã được trên 30 định chế tài chính quốc tế áp dụng. Theo đó, bên cạnh các yếu tố cấu thành nên hệ thống quản trị vững chắc như hoạt động hiệu quả của HĐQT, môi trường kiểm soát, minh bạch và công bố thông tin, các thông lệ cổ đông, thì quan trọng nhất vẫn là tính cam kết thực hiện quản trị công ty tốt.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các công ty có cam kết thực hiện quản trị tốt từ cấp cao nhất của công ty là các cổ đông (bao gồm cổ đông lớn) cho tới các thành viên HĐQT (bao gồm vị trí chủ tịch) sẽ là các công ty thực hiện quản trị thành công về lâu dài.
Một thực trạng khá phổ biến ở Việt Nam là khá nhiều công ty (đặc biệt trong ngành ngân hàng) bổ nhiệm một vị trí thành viên độc lập vì lý do trước mắt là nhằm tuân thủ với quy định và để bên ngoài biết rằng, họ đã có thành viên độc lập trong HĐQT. Nhưng thực tế, đối với công ty, thành viên HĐQT độc lập này thường không phát huy vai trò của mình khi các cổ đông lớn không thực sự cam kết quản trị tốt.
Khi các cổ đông lớn, các thành viên HĐQT xem nhẹ cam kết đó thì nên ứng xử như thế nào?
Theo các nguyên tắc quản trị công ty của OECD 2015, trách nhiệm của HĐQT là hành động vì lợi ích cao nhất của công ty và cổ đông; đối xử công bằng với mọi cổ đông; áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cao, phải quan tâm tới lợi ích của các bên có quyền lợi liên quan khác; thực hiện một số chức năng quan trọng trong đó có chức năng giám sát hiệu quả của việc thực hiện quản trị công ty, quy trình công bố thông tin, quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ; các xung đột lợi ích và tính trung thực của báo cáo tài chính; đưa ra các nhận định độc lập và khách quan.
Khi trách nhiệm của HĐQT không được thực hiện một cách đầy đủ, đặc biệt khi doanh nghiệp niêm yết không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về minh bạch và công bố thông tin, các cơ quan quản lý cần đưa ra chế tài đủ mạnh để cưỡng chế thực thi, chứ không nên mãi trông đợi vào sự tự giác của doanh nghiệp.
Được biết, IFC có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam. Bà có thể cho biết những hoạt động sẽ được IFC thực hiện trong thời gian tới?
Với tư cách là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và là tổ chức tài chính phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi với 60 năm kinh nghiệm, IFC luôn chú trọng đến vấn đề quản trị công ty tốt như là chìa khóa giúp các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và thu hút đầu tư thành công. IFC đã có nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu này.
Trong đó, tháng 12/2016, Sáng kiến Quản trị công ty Việt Nam (VCGI) do IFC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai Sở giao dịch chứng khoán sáng lập đã nhận được sự tham gia tích cực từ cộng đồng khu vực kinh tế tư nhân bao gồm các cá nhân và tổ chức, trong đó có các quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kiểm toán quốc tế.
VCGI là một nỗ lực giúp các cơ quan quản lý huy động các nguồn lực, mối quan tâm và kinh nghiệm chuyên môn trên thị trường, kêu gọi hợp tác và điều phối sự tham gia của các bên hữu quan trong việc nâng cao năng lực và cải thiện quản trị công ty, áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới.
Một trong các mục tiêu của VCGI là giúp Việt Nam cho ra đời một Viện Thành viên HĐQT độc lập và có uy tín để hỗ trợ, đào tạo và cung cấp các dịch vụ liên quan cho các thành viên HĐQT, nhằm đảm bảo việc liên tục cải thiện các thông lệ quản trị công ty áp dụng tại các công ty. Qua kinh nghiệm làm việc với nhiều học viện như vậy trên toàn cầu, IFC tin rằng, đây chính là mắt xích còn thiếu ở Việt Nam và là bước đi quan trọng tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của IFC, VCGI đã tổ chức nhiều sự kiện, trong đó có chương trình đào tạo tích cực về Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN cho các công ty niêm yết vào tháng 1/2017. Qua kết quả khảo sát sau khi tiến hành khóa học, nhiều công ty đã đưa các thông lệ quản trị tốt của ASEAN vào áp dụng trong doanh nghiệp mình cũng như phản ánh việc thực hiện quản trị tốt đã góp phần cải thiện hoạt động kinh doanh hiệu quả và thu hút vốn đầu tư.
Tham gia Ban giám khảo Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm nay, chúng tôi thấy nhiều công ty niêm yết lọt vào vòng chung khảo đã công bố kết quả tự đánh giá chi tiết về việc áp dụng các chuẩn mực của Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN trên báo cáo thường niên.
Điều này cho thấy, xu hướng các công ty đang vận dụng các thông lệ quản trị tốt theo tinh thần tự nguyện vượt trên khuôn khổ quy định của pháp luật, bởi họ đã thực sự hiểu rằng, quản trị công ty tốt sẽ giúp công ty gia tăng hiệu quả, niềm tin và uy tín, nhờ đó tăng cường khả năng tiếp cận vốn.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập tốt hơn trong khu vực ASEAN, IFC đã ký một biên bản ghi nhớ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giúp Việt Nam xây dựng một bộ quy tắc quản trị công ty dành cho các công ty niêm yết, có tham chiếu các thông lệ quản trị quốc tế tốt trong khu vực ASEAN và toàn cầu.
Dự kiến, bộ quy tắc này sẽ được ra đời thông qua VCGI vào cuối năm nay để hướng dẫn các công ty niêm yết tiếp tục nâng cao các chuẩn mực quản trị, từ đó cải thiện chất lượng minh bạch và công bố thông tin.