Tăng tầm vóc mới mong đứng vững
Việt Nam đang đứng trước cánh cửa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc ký kết hàng loạt FTA, gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam, hội nhập không chỉ tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong nước, mà cùng với đó sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để khai thác những lợi thế, cơ hội từ hội nhập. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng mạnh và đây chính là cơ hội lớn cho ngành ngân hàng.
“Tất nhiên, cùng với cơ hội, các ngân hàng cũng đứng trước áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm để đảm bảo tính cạnh tranh. Điều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quan tâm khi sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay không phải là lãi suất tiền gửi cao nhất hay lãi suất vay thấp nhất, mà là sự tư vấn của ngân hàng, các sản phẩm và khả năng quản trị rủi ro cao phục vụ cho hoạt động ổn định và tăng trưởng kinh doanh của họ”, ông Phạm Hồng Hải chia sẻ.
Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Việt Nam gia nhập AEC và thực thi các hiệp định thương mại song phương thế hệ mới, sẽ đón thêm nhiều ngân hàng lớn trên thế giới và khu vực vào đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, theo cam kết gia nhập AEC, các nước thành viên sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%. Tại hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam vừa mới ký kết, ngành ngân hàng cũng là lĩnh vực Việt Nam cam kết mở cửa với EU.
Để có thể cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong khu vực và thế giới khi những rào cản thị trường được dỡ bỏ, ngân hàng nội không còn cách nào khác phải có tầm vóc lớn mạnh hơn, không chỉ “cố thủ” ở thị trường trong nước mà còn chinh phục thị trường khu vực, quốc tế.
Việc xây dựng một vài ngân hàng mang tầm cỡ khu vực, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, là mục tiêu hết sức cần thiết của ngành ngân hàng Việt Nam và đó cũng chính là việc xây dựng thương hiệu quốc gia.
“Nói đến ngân hàng của Mỹ, mọi người nghĩ ngay đến Citi. Việt Nam cũng cần một ngân hàng mang hình ảnh của quốc gia như vậy”, TS. Lực nói.
Theo TS. Lực, một ngân hàng chủ lực trong nước để vươn ra khu vực sẽ thực hiện những nhiệm vụ như: nâng cao năng lực cạnh tranh để là một định chế dẫn dắt thị trường, chủ lực trong việc hội nhập. Do đó, việc chuẩn bị cần khẩn trương, có lộ trình bài bản trên các khía cạnh: quy mô, nguồn nhân lực và công nghệ…
Ông Keith Pogson, lãnh đạo cao cấp dịch vụ tài chính ngân hàng của EY khu vực châu Á -Thái Bình Dương cho rằng, nhìn ra các nước trên thế giới, sau quá trình tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, mỗi quốc gia chỉ có từ 2 - 5 ngân hàng trụ cột có tầm cỡ quốc tế, trong khi ở Việt Nam, hiện đang có quá nhiều ngân hàng, nhưng lại thiếu ngân hàng trụ cột có sức cạnh tranh với khu vực… Việt Nam chỉ cần 5 ngân hàng “trụ cột quốc gia”, bên cạnh một số ngân hàng nhỏ hơn phục vụ thị trường ngách.
Hiện thực hóa mục tiêu
Nhìn nhận việc xây dựng 1 - 2 ngân hàng tầm cỡ khu vực là mục tiêu rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, song TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc này không hề đơn giản. Các ngân hàng tầm cỡ khu vực hiện có tổng tài sản tối thiểu 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD, trong khi đó ở Việt Nam, ngân hàng TMCP lớn nhất cũng chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 3 tỷ USD.
Xét trên bình diện chung của ngành, ba ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV có thể là những “ứng viên” cho vị trí ngân hàng khu vực, bởi 3 ngân hàng này có quy mô lớn nhất trong hệ thống và có tốc độ tăng trưởng nhanh về vốn chủ sở hữu, tổng tài sản và mạng lưới sau khi nhận sáp nhập thêm các ngân hàng yếu kém. Bản thân VietinBank và Vietcombank gần đây cũng đưa ra thông điệp về việc phấn đấu vươn tầm thành ngân hàng khu vực.
Ứng viên sáng nhất của vị trí này thời điểm hiện nay có lẽ là VietinBank. Với xuất phát điểm là một NHTM quốc doanh, VietinBank đã thực hiện thành công việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, với tốc độ tăng vốn điều lệ nhanh, cơ cấu cổ đông đa dạng và lớn mạnh nhất Việt Nam. VietinBank đã tự chủ tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại qua các năm và nhiều năm liền VietinBank dẫn đầu ngành về lợi nhuận.
Được cổ phần hóa vào năm 2008, niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào năm 2009, trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, VietinBank là ngân hàng TMCP Nhà nước đầu tiên có đối tác chiến lược nước ngoài. Trong năm 2011, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thông qua bán 10% vốn cho đối tác nước ngoài là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).
Cuối năm 2012, VietinBank tiếp tục thành công trong việc ký kết các hợp đồng bán gần 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản và lớn thứ ba trên thế giới thuộc Tập đoàn MUFG. Với quy mô trên 750 triệu USD, tương đương trên 15.000 tỷ đồng - đây là mức đầu tư lớn chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam cho một giao dịch M&A.
Từ năm 2009 đến nay, sau 7 đợt phát hành tăng vốn, VietinBank đã nâng số vốn điều lệ từ 11.253 tỷ đồng lên 37.234 tỷ đồng và là ngân hàng có mức vốn điều lệ cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Sau khi nhận sáp nhập PG.Bank, VietinBank có vốn điều lệ 40.234 tỷ đồng, tổng tài sản 600.039 tỷ đồng, dư nợ 440.000 tỷ đồng, tổng mạng lưới của gần 1.200 điểm giao dịch. Dự kiến, cuối năm nay, VietinBank sẽ tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng, tăng tổng tài sản lên 746.000 tỷ đồng, tiếp tục niêm yết thêm 2,4 tỷ cổ phiếu vốn Nhà nước, để trở thành Top 6 DN dẫn đầu thị trường chứng khoán về giá trị vốn hóa.
Với Vietcombank, hiện Ngân hàng có quy mô vốn điều lệ 26.650 tỷ đồng và theo kế hoạch sẽ nhận sáp nhập Saigonbank. Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2015 của Vietcombank và Saigonbank, nếu hai ngân hàng này “về chung một nhà”, ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ 29.730 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động 534 điểm giao dịch, tổng tài sản 656.520 tỷ đồng…
Còn BIDV, sau khi nhận sáp nhập MHB, vốn điều lệ của Ngân hàng được nâng lên trên 34.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 700.000 tỷ đồng, mạng lưới kênh phân phối gần 1.000 điểm, với tổng số CBNV gần 24.000 người.
Để có quy mô tổng tài sản, mạng lưới hoạt động tương đương các ngân hàng quy mô lớn trong khu vực là không đơn giản. Chưa kể, để trở thành một ngân hàng tầm cỡ khu vực, phải đưa chất lượng hoạt động của ngân hàng xứng tầm khu vực. Nói như TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank là ngân hàng phải nâng cấp nội tại, cải thiện hệ thống quản trị, xây dựng một bộ máy nhân sự chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào hoạt động của ngân hàng.