Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là dự án nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Singapore nói riêng và Việt Nam - ASEAN nói chung. Trong ảnh: VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: Đức Thanh
Thoát khỏi nghèo đói và nhóm cuối hạng Đông Nam Á sau 25 năm gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hội nhập quốc tế, nhưng dấu hỏi lớn đang đặt ra cho Việt Nam là động lực tăng trưởng nào để vươn lên thành con hổ kinh tế mới ở châu Á.
Hợp tác đầu tư đôi bên cùng có lợi
Lục lại ký ức quan sát hành trình Việt Nam gia nhập và gắn bó ASEAN trong 25 năm qua, ông Yasuhiro Yamada, giáo sư kinh tế người Nhật, trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) về vấn đề Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, đã dành lời đầu tiên để “chúc mừng thành công to lớn của Việt Nam” - nơi ông đặt chân đến lần đầu vào năm 1978.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, điều GS. Yamada hết sức lưu ý, trong thành tựu đáng kể mà Việt Nam đạt được từ việc gia nhập ASEAN là thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia thành viên ASEAN ban đầu và 4 quốc gia gia nhập ASEAN sau này - một vấn đề tồn đọng khá lâu trong ASEAN.
Theo GS. Yamada, GDP của ASEAN giai đoạn 2010 - 2018 đạt mức tăng bình quân 5,4%/năm, trong khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,2%/năm, nên với đà tăng như vậy, Việt Nam có thể sớm bắt kịp các quốc gia ASEAN ở tốp trên.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những thập niên qua có đóng góp quan trọng từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với dòng vốn toàn cầu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước ASEAN chảy vào Việt Nam trong 25 năm qua đã khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể.
Tính đến cuối tháng 5/2020, vốn FDI đăng ký của các nhà đầu tư từ ASEAN đạt gần 81,9 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là quốc gia thành viên ASEAN dẫn đầu về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, với 54,8 tỷ USD vốn đăng ký; theo sau là Malaysia và Thái Lan với các con số tương ứng là 12,7 tỷ USD và 12,3 tỷ USD.
Nổi bật trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại tỉnh Bình Dương được triển khai từ năm 1996 bởi liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) thành lập. Từ thành công của dự án này, các dự án VSIP II, III, IV… liên tiếp được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố khác, thu hút 840 nhà đầu tư từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 14 tỷ USD.
Còn với dòng vốn đầu tư từ Thái Lan, mô hình khu công nghiệp AMATA do người Thái đầu tư tại tỉnh Đồng Nai từ những năm 90 của thế kỷ trước lại là điển hình. Tại đây tiếp nhận dòng vốn FDI lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Theo GS. Yamada, đầu tư từ Thái Lan vào Việt Nam càng khởi sắc từ năm 2013, khi nhiều nhà đầu tư “ngoại” áp dụng chiến lược “Thái Lan + 1” do thiếu hụt lao động tại Thái Lan.
Tính đến cuối tháng 5/2020, vốn FDI đăng ký của các nhà đầu tư từ ASEAN đầu tư vào Việt Nam đạt gần 81,9 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là thành viên ASEAN dẫn đầu về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, với 54,8 tỷ USD vốn đăng ký. Theo sau là Malaysia và Thái Lan với các con số tương ứng là 12,7 tỷ USD và 12,3 tỷ USD.
(Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á tổng hợp)
Nhìn một cách công bằng, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên ASEAN là hợp tác đôi bên cùng có lợi. GS. Yamada dẫn giải, ngoài việc liên doanh thu lợi, qua mô hình khu công nghiệp VSIP hay AMATA, phía Việt Nam cũng có cơ hội học hỏi và cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý khu công nghiệp từ đối tác Singapore và Thái Lan. Thành công từ việc vận hành các mô hình khu công nghiệp này là việc gọi vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của người Singapore và Thái Lan vào những năm 1970 - 1990. Hơn nữa, việc thu hút các nhà đầu tư đến các khu công nghiệp này cũng tạo cơ hội việc làm cho lao động trong nước.
“Những dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp tại Việt Nam là xung lực đưa kinh tế Việt Nam đi lên, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực”, GS. Yamada đánh giá.
Mặt khác, dòng chảy đầu tư của Việt Nam sang các quốc gia thành viên ASEAN cũng phản ánh hiệu quả hợp tác đầu tư hiệu quả giữa các bên. Đến cuối tháng 6/2020, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào đạt hơn 4,9 tỷ USD vốn đăng ký, theo sau là thị trường Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD.
Nhà đầu tư Việt Nam như Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… từng bước khẳng định được thương hiệu tại thị trường ASEAN với những khoản đầu tư lớn tại Lào, Campuchia và Myanmar. Dấu ấn rõ nhất là khách sạn 5 sao Crowne Plaza do BIM Group đầu tư (hiện là khách sạn tốt nhất ở Viêng Chăn, Lào) và những trung tâm mua sắm lớn do người Việt đầu tư và sở hữu tại Yangon (Myanmar).
Động lực tăng trưởng sắp tới?
Không ngủ quên với thành tựu kinh tế - xã hội từ gia nhập ASEAN và hội nhập quốc tế, các chuyên gia cảnh báo những thách thức to lớn trước mắt cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để “hóa” hổ kinh tế mới ở châu Á.
Về vấn đề này, GS. Yamada cho rằng, đổi mới sáng tạo có thể là “chìa khóa” tạo động lực tăng trưởng và giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.
Thế giới đã ghi nhận điều này. “Không đổi mới sáng tạo, không quốc gia nào có thể thoát bẫy thu nhập trung bình”, ông Yamada nêu. Việt Nam có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo qua việc tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN nhờ xu hướng dịch chuyển lao động tự do hơn trong khu vực.
Thung lũng Silicon tại Mỹ hay Đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc cũng trải qua những luồng dịch chuyển tự do nhân sự cao cấp trong ngành công nghệ thông tin. Theo GS. Yamada, với Việt Nam, Hà Nội hay TP.HCM, hoặc cả hai đều có tiềm năng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo nhờ nguồn nhân lực công nghệ thông tin và kỹ sư phần mềm trong nước và nguồn huy động từ ASEAN.
Việt Nam sẽ có vai trò nhất định trong làn sóng đổi mới sáng tạo của ASEAN hậu Covid-19 nhờ khả năng số hóa. Việt Nam, với lợi thế doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông, sẽ trong nhóm các quốc gia đi đầu của ASEAN về chuyển đổi số.
Đơn cử, ngành công nghiệp ô tô ở Đông Nam Á sẽ nhanh chóng bước vào thời đại CASE (gồm gồm các yếu tố: ô tô kết nối qua mạng; lái tự động; dùng chung chứ không sở hữu; điện khí hóa) - thời đại mà ngành ô tô sẽ gắn chặt với số hóa và trí tuệ nhân tạo. “Ở thời đại CASE, Việt Nam có cơ hội nhảy cóc trong ngành công nghiệp ô tô nếu chuyển dịch nó thành ngành công nghiệp có đặc trưng là phần mềm”, GS. Yamada nhận định.
Ngoài đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần xây dựng các kết nối chuỗi cung ứng trong nước với thị trường lân cận sau Covid-19, biến Hà Nội, Hải Phòng, hay TP.HCM sẽ trở thành các điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn, bằng cách tính toán thiết lập vành đai công nghiệp kết nối Hà Nội/Hải Phòng - Bangkok thông qua Lào; vành đai kết nối TP.HCM - Bangkok qua Thủ đô Phnom Penh của Campuchia qua việc xây mới hoặc cải tạo gắn kết các quốc lộ hiện có.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), để tạo động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn tới, cần phải điều chính cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng mở rộng quan hệ với các đối tác có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ số.
“Nên chăng, chúng ta phải có những bước chuyển của mô hình kinh tế sang kinh tế số bằng cách đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, Internet vạn vật, chuỗi khối… để làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, cộng với phát triển các ngành công nghệ dựa vào vốn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, ông Hoàng gợi ý.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, đây chưa phải là lời giải cho bài toán thoát bẫy thu nhập trung bình. Thời điểm này là hơi sớm để nói về việc thoát bẫy thu nhập trung bình khi thu nhập bình quân đầu người của chúng ta mới ở ngưỡng 3.000 USD.
“Ngay cả với Malaysia, giới học giả quan sát thấy, dù họ đã chạm ngưỡng thoát bẫy thu nhập trung bình cả chục năm trước, nhưng vượt qua nó quả là khó khăn lớn, dù kinh tế Malaysia tương đối hệ thống, kết cấu hạ tầng tốt, cơ chế tốt”, ông Hoàng lưu ý.
Để đạt ngưỡng 12.000 USD/năm và vượt bẫy, kịch bản đặt ra Việt Nam cần đạt tốc độ tăng trưởng cao và dự báo tăng trưởng được khoảng 10, 20 hay 30 năm tới. Ngoài ra, cần xem xét cơ chế chính sách phù hợp, có thể vẫn tăng tốc chuyển đổi số để tăng đóng góp cho nền kinh tế, nhưng phải đồng bộ với các thể chế kinh tế, với kết cấu hạ tầng, với các ngành kinh tế khác, chứ không đơn thuần dựa vào những ngành chuyển đổi số.