Việt Nam đang là cứ điểm cho việc xây dựng các cơ sở sản xuất chi phí thấp, với chính sách thuế thuận lợi và lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao. Ảnh: Đức Thanh
Cơ hội lặp lại
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được cho là thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tăng thuế và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội tương tự năm 2018, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giúp xuất khẩu sang Mỹ tăng 30%. Xu hướng này dự kiến lặp lại khi Việt Nam có thể hưởng lợi từ vị trí chiến lược trong thương mại toàn cầu và bối cảnh đầu tư ngày càng mở rộng.
Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng về vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2024, thu hút hơn 27,26 tỷ USD tính đến tháng 10, tăng 1,9 % so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng này phản ánh môi trường đầu tư năng động và cạnh tranh của Việt Nam, tiếp tục thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới.
Meir Tlebalde, Tổng giám đốc Sunwha Kiri Consulting Việt Nam. |
Chế biến, chế tạo là lĩnh vực nhận vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất với 17,1 tỷ USD, tiếp theo là bất động sản với 5,32 tỷ USD. Singapore nổi lên là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 7,79 tỷ USD. Dòng vốn mạnh mẽ này là minh chứng cho sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp toàn cầu đang tìm kiếm một giải pháp thay thế ổn định và tiết kiệm chi phí cho các trung tâm sản xuất truyền thống.
Để tiếp tục có được đà tăng trưởng trên, Việt Nam đã thực hiện cải cách hệ thống pháp lý nhằm giảm nút thắt và tăng hiệu quả trong quá trình đầu tư. Bằng cách phân cấp các quy trình cấp phép và sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đang nỗ lực đơn giản hóa các rào cản và tạo ra một môi trường thân thiện hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Những cải cách trên, cùng với cả hệ thống chính quyền và doanh nghiệp, sẽ góp phần giải ngân dòng vốn đáng kể và đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời gian tới.
Sự cởi mở của Việt Nam đối với thương mại và đầu tư quốc tế từ lâu đã là nền tảng trong chiến lược kinh tế, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại lớn, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, giúp Việt Nam trở nên vượt trội trong các ngành công nghiệp như máy móc, dệt may và nông nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức, rào cản, bao gồm giới hạn sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực như dầu khí, các quy định cấp phép nghiêm ngặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin, sự thiếu hiệu quả trong thực hiện các thủ tục hải quan. Bất chấp những rào cản này, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư thông qua các chính sách như miễn thuế nhập khẩu, khấu hao nhanh và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Lợi thế cạnh tranh
Khoản đầu tư gần đây của Samsung trị giá 1,8 tỷ USD vào nhà máy sản xuất OLED mới ở Bắc Ninh và cam kết đầu tư 551 triệu USD của Foxconn cho các Dự án ở Quảng Ninh là dấu hiệu cho thấy niềm tin của các công ty lớn vào tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất của Việt Nam đang rất rõ ràng.
Lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài rất đa dạng. Việt Nam đang là cứ điểm cho việc xây dựng các cơ sở sản xuất chi phí thấp, với chính sách thuế thuận lợi và lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao. Những yếu tố này đã khuyến khích những gã khổng lồ toàn cầu như Samsung và Foxconn mở rộng sản xuất tại đây. Những khoản đầu tư như vậy không chỉ thúc đẩy nền kinh tế, mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam như một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài sản xuất, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn. Năm 2024, các công ty bán dẫn có trụ sở tại Mỹ đã cam kết đầu tư 8 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, báo hiệu vai trò ngày càng tăng của quốc gia này trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Chiến lược bán dẫn của Việt Nam, bao gồm các ưu đãi tài chính, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, cũng như thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, đều nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp quan trọng này vào năm 2050.
Tuy nhiên, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy một thách thức tiềm tàng vì có thể làm tăng gánh nặng tài chính cho các công ty đa quốc gia, trừ khi Việt Nam đưa ra các biện pháp giảm nhẹ khác.
Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam cũng có đà phát triển nhờ sự quan tâm ngày càng tăng đối với bất động sản công nghiệp, hậu cần và năng lượng tái tạo. Trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động M&A đạt 3,5 tỷ USD, được hỗ trợ bởi sự phát triển hạ tầng và mở rộng thương mại điện tử.
Các công ty như Alibaba đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng dữ liệu, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế kỹ thuật số. Tương tự, các dự án năng lượng tái tạo tiếp tục thu hút đáng kể đầu tư nước ngoài, phù hợp với cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
Để hỗ trợ tình hình đầu tư đang tăng trưởng, Việt Nam đã đưa ra một loạt chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Theo đó, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ năm 2021 tập trung vào các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng. Các lĩnh vực này được hưởng lợi từ nhiều ưu đãi, bao gồm ưu đãi sử dụng đất, giảm tiền thuê đất và miễn thuế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, những thay đổi sắp tới theo Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài quyền hoạt động bình đẳng hơn so với trước đây, đơn giản hóa quy trình thu hồi đất và tăng tính minh bạch trong giao dịch.
Thay đổi chiến lược thu hút đầu tư
Một sự thay đổi đáng chú ý trong chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam là việc chuyển từ miễn thuế truyền thống sang ưu đãi dựa trên chi phí, như hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển và khấu hao nhanh. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn thuế toàn cầu, trong khi vẫn duy trì được sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư. Kế hoạch thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Chính phủ càng nhấn mạnh cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng, tài sản cố định và đào tạo nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng, dù có nhiều thế mạnh, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rào cản nhất định có thể cản trở các nhà đầu tư tiềm năng. Giới hạn sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực chiến lược như ngân hàng, viễn thông và năng lượng là một thách thức lớn.
Hơn nữa, quy trình phê duyệt phức tạp đối với các dự án quy mô lớn (thường phải có sự xem xét của Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội), dẫn đến chậm trễ về thời gian và tiến độ triển khai dự án. Việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu còn gây ra một vấn đề phức tạp nữa, vì các công ty phải áp mức thuế suất 15%, cùng với các khoản thuế bổ sung để phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu.
Tuy nhiên, cách tiếp cận chủ động cải cách của Việt Nam và cam kết tạo ra môi trường thân thiện với doanh nghiệp đang tạo tiền đề cho tăng trưởng đầu tư bền vững. Bằng cách cân bằng lợi ích an ninh quốc gia với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam đang xây dựng nền tảng vững chắc để thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời bảo vệ sự ổn định kinh tế lâu dài của mình.
Nhìn về phía trước, nền kinh tế đa dạng, lực lượng lao động lành nghề và các hiệp định thương mại chiến lược đang giúp Việt Nam vượt qua những bất ổn toàn cầu và tận dụng các cơ hội mới. Khi các công ty tiếp tục tìm kiếm các giải pháp nhà xưởng ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất, Việt Nam chính là một đề xuất hấp dẫn nhờ kết hợp hiệu quả chi phí với khung chính sách mạnh mẽ.
Bối cảnh đầu tư của Việt Nam năm 2024 phản ánh khả năng thích ứng và phát triển trên thị trường toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh. Với những cải cách đang diễn ra, các ưu đãi có mục tiêu và đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực tăng trưởng cao, Việt Nam sẵn sàng củng cố vị thế của mình như một điểm đến đầu tư năng động và hướng tới tương lai. Khi thế giới phải đối mặt với những vấn đề kinh tế và địa chính trị đang thay đổi, Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò là một quốc gia chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu.