Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hoa Kỳ là một trong những đối tác kinh tế - thương mại - đầu tư mà Việt Nam rất coi trọng. Bộ trưởng mong muốn Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, cũng như đưa sự hợp tác của hai quốc gia lên tầm quan hệ mới, vì lợi ích chung của hai bên.
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong lĩnh vực thương mại, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ đến cuối năm 2014 đạt gần 29 tỷ USD, giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN vào thị trường Hoa Kỳ.
Trên thị trường vốn, nhiều tập đoàn đầu tư tài chính lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam, tuy nhiên, đầu tư gián tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ và khả năng hấp thụ vốn của thị trường Việt Nam. Theo Bộ trưởng, mảng thị trường vốn còn nhiều dư địa mới, còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư lớn, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, cùng với Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với các nhà đầu tư tài chính - bảo hiểm Hoa Kỳ về cam kết mở cửa thị trường và tình hình hoạt động của các DN bảo hiểm có vốn đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam; về tiềm năng, định hướng phát triển và cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm.
Trả lời các nhà đầu tư và báo chí nước ngoài về cam kết mở cửa thị trường và tình hình hoạt động của các DN bảo hiểm có vốn đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: bảo hiểm là một trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký hai hiệp định thương mại song phương có cam kết về bảo hiểm, gồm Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc, một hiệp định đa phương WTO.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán 6 hiệp định có cam kết về mở cửa thị trường bảo hiểm, gồm: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (VN - EU); Hiệp định khung ASEAN (AFAS); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và khối 4 nước châu Âu (EFTA); Hiệp định Việt Nam - Liên minh hải quan; Hiệp định ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Về cơ bản, cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm của Việt Nam tương tự như các cam kết tại WTO. Trên thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có 6 DN bảo hiểm có vốn đầu tư Hoa Kỳ là AIA, AIG, ACE non life, ACE life, MetLife, Liberty. Các DN này đều hoạt động tốt, tăng trưởng ổn định, tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn nhật báo Phố Wall về cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và ban hành kịp thời, đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường.
Thị trường bảo hiểm hiện có 61 DN bảo hiểm hoạt động ổn định, trong đó có 29 DN phi nhân thọ, 1 chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 17 DN nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, thị trường bảo hiểm đã đạt mức tăng trưởng trên 12,7%/năm, với tổng doanh thu của toàn thị trường năm 2014 đạt mức 2,44% GDP. 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014.
“Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm được tăng cường theo hướng kết hợp giữa giám sát từ xa và tăng cường đối thoại, trao đổi, hướng dẫn và hỗ trợ với DN bảo hiểm dưới nhiều hình thức... đã bảo đảm được sự tuân thủ pháp luật, tạo môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh, minh bạch hơn cho DN hoạt động”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Gần 170 nhà đầu tư Mỹ đã đến dự Hội nghị “My Vietnam – Your investment destination”
Trả lời câu hỏi về tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm còn rất lớn, bởi hiện nay tỷ lệ doanh thu bảo hiểm trên GDP mới chỉ đạt mức 2,44%.
Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 10% dân số có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 60% hành khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ; bảo hiểm hàng hoá vận chuyển xuất nhập khẩu mới đạt tỷ lệ bảo hiểm 9% tổng kim ngạch năm 2014; chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp hiện nay mới chỉ bảo hiểm dưới 1% diện tích trồng lúa, 0,4% tổng đàn vật nuôi, gia súc; bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự mới đạt 40% đối với xe mô tô - xe máy; tỷ lệ tham gia đối với bảo hiểm vật chất xe ô tô thấp.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực, ngành nghề hầu như chưa được khai thác như: bảo hiểm thiên tai; bảo hiểm năng lượng nguyên tử; bảo hiểm tài sản công; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính; bảo hiểm trách nhiệm bác sỹ, tư vấn hành nghề luật sư; bảo hiểm cháy nổ nhà tư nhân; bảo hiểm cho người có thu nhập thấp...
Định hướng phát triển và cam kết của Việt Nam về phát triển thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: đây là việc luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, việc phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đã được quy định rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Với mục tiêu tổng quát là: phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực...; thị trường bảo hiểm Việt Nam phải duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%, phấn đấu tổng doanh thu toàn thị trường đạt tỷ lệ từ 3 - 4% so với GDP năm 2020.
“Việt Nam cam kết thực hiện đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm. Tất cả các DN bảo hiểm, bất kể theo hình thức DN nào, nguồn vốn đầu tư nào, đều hoạt động và bảo đảm tuân thủ Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản luật liên quan. Chúng tôi tiếp tục coi trọng và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN và các nhà đầu tư hoạt động thành công tại Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.