Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ góc nhìn khái quát về những cải cách mà các cơ quan quản lý đã thực hiện để giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường vốn Việt Nam, cũng như đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 7,1%, mức tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt trong khối ASEAN, vượt xa tốc độ của nền kinh tế toàn cầu - đạt 3,8% trong năm 2018.
Vốn hóa thị trường và khối lượng giao dịch đang ghi nhận những bước tiến và sự tăng trưởng mạnh mẽ; đồng thời, nhiều giải pháp được các cơ quan quản lý triển khai trong thời gian qua đã giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư.
Mặc dù hội tụ đủ những chỉ số tích cực và nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng Việt Nam chưa được Tổ chức Morgan Stanley Capital International (MSCI) đưa vào danh sách theo dõi dành cho các thị trường mới nổi khi công bố kết quả đánh giá hàng năm vào tháng 6 vừa qua.
Việt Nam hiện đang có khá nhiều công ty đáp ứng các yêu cầu định lượng của MSCI, ở cả quy mô thị trường lẫn tính thanh khoản, ví dụ tổng giá trị vốn hóa tối thiểu ở mức 1,551 tỷ USD, khối lượng cổ phiếu tự do trên 776 triệu USD và tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm đạt 15%.
Theo báo cáo đánh giá tiếp cận thị trường toàn cầu năm 2019 của MSCI, Việt Nam vẫn cần nhiều thay đổi và cải tiến để đáp ứng các yêu cầu mang tính định tính như tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thông tin công bố bằng tiếng Anh và cơ sở hạ tầng của thị trường liên quan đến các yêu cầu thấu chi, yêu cầu đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch (pre-funding).
Ðể gia tăng cơ hội Việt Nam được đưa lên nhóm thị trường mới nổi, các cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực cải thiện khung pháp lý, giới thiệu các công cụ chứng khoán mới và vận hành thị trường vốn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Một trong những nỗ lực nổi bật là việc sửa đổi Luật Chứng khoán, qua đó giúp nâng tầm sân chơi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã được xây dựng vào cuối năm 2018 và trình Quốc hội thảo luận vào tháng 5/2019. Ngày 26/11/2019, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua dự thảo này và dự kiến đưa vào thực hiện từ tháng 1/2021.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered.
Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý đã cho ra đời nhiều sản phẩm đầu tư như chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và chứng quyền, quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục… để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.
Quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên của Việt Nam cũng dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2020. Các cơ quan liên quan đang rà soát hạ tầng thị trường, quy trình yêu cầu đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch, đồng thời tìm kiếm các giải pháp thay thế để hỗ trợ hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài do quy định về sở hữu nước ngoài.
Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) có khả năng cũng sẽ được ra mắt và giúp tăng cường thanh khoản trên thị trường. NVDR đã được triển khai rất thành công ở Thái Lan.
Trong bối cảnh MSCI đang theo dõi chặt chẽ khả năng tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài, những động thái của Việt Nam trong việc hiện đại hóa luật chứng khoán và cho ra đời thêm nhiều sản phẩm đầu tư sẽ gia tăng cơ hội được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi.
Lấy Kuwait làm ví dụ, gần đây, MSCI đã công bố quyết định xếp chỉ số MSCI Kuwait Index vào nhóm các thị trường mới nổi, nếu cấu trúc tài khoản tổng (Omnibus Account Structures) và dùng một mã số định danh của nhà đầu tư (National Investor Number) cho các giao dịch chéo được áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 11/2019.
Những tính năng này được cơ quan quản lý thị trường vốn của Kuwait công bố công khai nhằm giải quyết các quan ngại của các nhà đầu tư định chế nước ngoài trong đợt tham vấn MSCI về khả năng xem xét việc xếp hạng chỉ số MSCI Kuwait Index từ nhóm cận biên lên nhóm thị trường mới nổi.
Trong quá trình cải cách theo định hướng đã vạch ra, các cơ quan quản lý tại Việt Nam đã và đang rà soát, đơn giản hóa hàng loạt các quy định, đồng thời cải thiện hạ tầng thị trường vốn để giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Ðơn cử, trước đây, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cần khoảng 5 ngày để phê duyệt mã số giao dịch chứng khoán (STC), thì hiện giảm xuống 1 ngày làm việc kể từ khi mã giao dịch được nộp trực tuyến thành công thông qua hệ thống điện tử của VSD.
Ðiều này cho thấy nỗ lực nhằm đơn giản hóa thủ tục tham gia thị trường, từ đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia giao dịch sớm hơn.
VSD cũng đã thay thế hệ thống xử lý dịch vụ quỹ trước đây bằng một hệ thống mới được tích hợp các dịch vụ như hệ thống đại lý chuyển nhượng, hệ thống quản lý quỹ và hệ thống quỹ hưu trí. Hệ thống đại lý chuyển nhượng mới được đưa vào hoạt động ngày 10/9/2019.
Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu cho các quỹ ngoại và các nhà bảo hiểm ngoại, Standard Chartered là ngân hàng nước ngoài duy nhất được VSD lựa chọn để hỗ trợ thực hiện nâng cấp hệ thống này.
Standard Chartered đang tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý về các sáng kiến nhằm củng cố khung pháp lý, cải thiện quy trình báo cáo và công bố thông tin, hiện đại hóa hạ tầng thị trường và đa dạng hóa danh mục các nhà đầu tư.
Với vị thế là tổ chức quốc tế hoạt động ở thị trường trong nước, Standard Chartered mang đến kinh nghiệm xây dựng và thúc đẩy sự thay đổi hạ tầng thị trường vốn Việt Nam.
Chúng tôi đang ở một vị thế thuận lợi để giúp khách hàng tiếp cận thị trường Việt Nam nhờ sự hiện diện mạnh mẽ, cũng như kinh nghiệm chuyên môn của một ngân hàng quốc tế.
Tháng 11 vừa qua, Standard Chartered Việt Nam là đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ duy nhất được VSD ghi nhận là ngân hàng lưu ký giám sát tiêu biểu cung cấp dịch vụ quỹ. Ngân hàng cũng được VSD trao tặng danh hiệu thành viên lưu ký tiêu biểu trong hoạt động lưu ký chứng khoán 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019). Những thành tựu này ghi nhận những đóng góp của Standard Chartered Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của lĩnh vực dịch vụ chứng khoán Việt Nam. Vào tháng 5/2019, Ngân hàng được Tạp chí The Asset vinh danh là “Đơn vị quản trị quỹ - Quỹ bán lẻ tốt nhất Việt Nam” trong 4 năm liên tiếp 2016 - 2019.