Quyết định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ có hiệu lực ngay lập tức.
Nguồn tin mới nhận từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công thương Ấn Độ, hôm 20/7 đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường (Phi Basmati).
Quyết định của cơ quan chức năng nước này về cấm xuất khẩu gạo tẻ thường có hiệu lực ngay lập tức.
Theo đó, chỉ một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm: Lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo.
Các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp.
Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi Thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm Thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023.
Lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu An ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
Số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101 nghìn tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng.
Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Cơ quan Thương vụ cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngày với các đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương ở các khu vực để được hướng dẫn.
Những năm gần đây, nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam tăng vọt, nhất là với mặt hàng gạo tấm. Giá gạo nhập khẩu rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Theo các doanh nghiệp, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp thương mại gạo trong nước lo ngại nhất là việc quản lý gạo nhập khẩu không chặt, dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp nhập gạo về, trà trộn xuất xứ gạo Việt Nam để xuất đi.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre vừa tạm giữ 1.040 bao gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ (tương đương 52 tấn) không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa là trên 600 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ số lượng gạo vi phạm trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Bến Tre) cho biết, trước tình hình mặt hàng gạo ngoại nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, ảnh hưởng đến thị trường gạo trong nước, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng gạo.