Theo Báo cáo đánh giá công tác bảo vệ môi trường năm 2018 của Chính phủ gửi đến Quốc Hội, áp lực từ chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu của một số nước trên thế giới, dẫn đến phế liệu đang có nguy cơ chuyển vào khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Năm 2018, hơn 9,2 triệu tấn phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam (tăng hơn 1.3 triệu tấn so với năm trước đó).
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn đến từ tác động của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất giấy, nhiệt điện than, gang thép,...
Theo đó, cả nước hiện còn 147/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa được xử lý triệt để.
Cùng với đó là trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản, làm phát sinh lượng bụi, nước thải lớn, gây tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước.
Báo cáo của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho thấy, trừ 04 doanh nghiệp FDI, còn lại phần lớn các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam đều có quy mô sản xuất nhỏ. Cụ thể, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có sản lượng trên 100.000 tấn giấy hoặc bột giấy/năm, còn lại doanh nghiệp dưới 100.000 tấn/năm.
Hầu hết các doanh nghiệp này được đánh giá sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phải trải qua nhiều quy trình như: tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng… sử dụng nhiều loại hóa chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất gây ô nhiễm có độc tính cao.
Báo cáo còn cho rằng, 25 nhà máy nhiệt điện than đã vận hành thương mại với tổng công suất lắp đặt là 18.294 MW, 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên… nếu không được quản lý, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Đối với ngành dệt nhuộm, đặc biệt nước thải tại các làng nghề dệt nhuộm “gần như chưa được xử lý một cách hiệu quả, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”.
Trong năm, tiếp tục có một số cơ sở phát sinh nguồn thải lớn đi vào hoạt động. Báo cáo nhắc đến nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (nước thải công nghiệp 9.600 m3/ngày đêm, nước làm mát và nước khử lưu huỳnh bằng FGD có khối lượng lớn hàng triệu m3¬/ngày, chất thải nguy hại là 521 tấn/tháng).
Thêm vào đó là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đi vào vận hành lò cao số 2, các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Vĩnh Tân (lưu lượng nước làm mát và khử lưu huỳnh bằng FGD khoảng 28 triệu m3/ngày đêm), một số nhà máy đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải như Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Dự án “Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng”,...