Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Thông tin được đưa ra tại báo cáo mới nhất của của Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế Liên hợp quốc (IFAD).
IFAD cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi tiếp nhận nhiều kiều hối nhất trên thế giới với 256 tỷ USD trong năm 2017.
70% số tiền được gửi về là từ những người đi lao động các quốc gia tại Vùng Vịnh, Mỹ và châu Âu, nơi mà người lao động tìm đến để làm những công việc yêu cầu kỹ năng ở mức thấp hoặc trung bình như xây dựng, giúp việc hay chăm sóc y tế.
Trong năm 2017, các quốc gia tiếp nhận nhiều kiều hối nhất của khu vực này gồm Ấn Độ với 69 tỷ USD, Trung Quốc với 64 tỷ USD và Phillipines với 33 tỷ USD.
Theo báo cáo của IFAD, con số 256 tỷ USD kiều hối chuyển về khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói trên đã tăng 5% kể từ năm 2008 và được gửi về để hỗ trợ cho 350 triệu thân nhân của những người lao động.
Theo đó, trung bình mỗi năm có khoảng 80 triệu lao động nhập cư gửi tiền về quê nhà với số lần từ 8 tới 10 lần. Nếu chuyển tiền mặt, không qua tài khoản ngân hàng cá nhân thì mức phí chuyển tiền mất khoảng 7%.
Vào thời điểm cách đây 10 năm, tổng chi phí chuyển tiền còn lên tới 20 đến 25%. Tuy mức phí chuyển tiền đã giảm đáng kể nhưng các chuyên gia IFAD đánh giá rằng mức phí hiện tại vẫn còn quá cao.
Các chuyên gia của IFAD lưu ý, điều quan trọng là dòng tiền này của người lao động cần được gửi về quê nhà một cách nhanh chóng với chi phí thấp, bởi đây là những nguồn hỗ trợ tài chínhcốt lõi với gia đình họ ở quê nhà.
IFAD khuyến khích người gửi và người nhận tiền thực hiện giao dịch thông qua các hình thức giao dịch điện tử như chuyển tiền trên điện thoại với mức lãi suất thấp hơn để tiết kiệm chi phí.
IFAD cũng khuyến cáo cơ quan quản lý các quốc gia cũng như các tổ chức tài chính có sự phối hợp để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp giữa các quốc gia, các tổ chức tài chính hỗ trợ đưa công nghệ vào ứng dụng, giảm chi phí chuyển tiền cho người dân