Samsung là một điển hình thành công trong thu hút vốn FDI của Việt Nam.

Samsung là một điển hình thành công trong thu hút vốn FDI của Việt Nam.

Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư cùng đồng hành phát triển thịnh vượng

(ĐTCK) Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có những hạn chế cần được khắc phục, nhưng mở cửa thu hút dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thưa Bộ trưởng! Thu hút đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua được ví như hai mặt của một tấm huy chương, Bộ trưởng nhận định thế nào về những thành tựu và hạn chế cần khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới?

Trước hết, phải khẳng định, 30 năm thu hút FDI gắn liền với Công cuộc Đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư của Đảng. Đây là chủ trương, đường lối hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là quyết sách chính xác và kịp thời, tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của đất nước. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu lớn, thời gian gần đây, đã có nhiều ý kiến quan ngại về chất lượng của hoạt động thu hút đầu tư.

Những ý kiến này có cơ sở, nên chúng ta cần kịp thời đánh giá lại những mặt hạn chế, tìm ra đúng nguyên nhân từ khâu thể chế, chính sách hay tổ chức thực hiện, do năng lực chưa tốt hay công tác quản lý chưa đạt yêu cầu.

Tổng kết 30 năm thu hút FDI là một cơ hội tốt để chúng ta đánh giá thành tựu, cũng như hạn chế, bất cập để đưa ra giải pháp cho thời gian tới.

Quan trọng hơn nữa, trong bối cảnh mới, nền kinh tế thế giới biến động mau lẹ, rất cần định vị lại vai trò của đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới đối với nền kinh tế nước ta.

Vẫn phải khẳng định đường lối quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục coi khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam và tiếp tục có sự đóng góp hết sức quan trọng cho nền kinh tế.

Chúng ta phải tiếp tục thu hút và sử dụng vốn FDI, nhưng phải có điều chỉnh về mặt chiến lược và định hướng thu hút để đi đúng với định hướng thu hút đầu tư của chúng ta nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh được những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đây là nhiệm vụ, biện pháp quan trọng của chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn tới. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, mọi lĩnh vực, việc thu hút FDI sẽ như thế nào để có thể tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này, thưa Bộ trưởng?

Đây là cơ hội cho nền kinh tế ngàn năm có một mà nước ta phải tận dụng bằng được. Nếu tận dụng được thì nước ta phát triển, còn không thì tụt hậu.

Việc tận dụng cơ hội cách mạng 4.0 phải gắn với thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài cũng phải gắn trên nền tảng tận dụng công nghiệp 4.0 để đưa các công nghệ mới, hình thức đầu tư cũng như các phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng 4.0 vào Việt Nam nhiều hơn.

Trước đây, ta quan tâm nhiều đến thu hút đầu tư truyền thống, bây giờ có những hình thức đầu tư rất mới như mô hình kinh tế chia sẻ.

Vậy ta phải cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hoàn thiện khung khổ thể chế để làm sao các nhà đầu tư nước ngoài vào có điều kiện thể chế hạ tầng, môi trường để đầu tư, thúc đẩy thu hút FDI vào theo xu thế đó. Đây cũng là động lực tạo sức ép để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển theo xu thế này.

Về tổng thế, Chính phủ sẽ tiếp tục thu hút FDI có trọng tâm, trọng điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay như gắn với quá trình cải cách nền kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, tạo ra sự lan tỏa tới các vùng miền và các ngành kinh tế nói chung, gắn với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, tập trung thu hút các dự án có công nghệ cao hơn, thân thiện môi trường hơn, tiết kiệm năng lượng tài nguyên hơn…Đây là định hướng lớn trong thu hút FDI trong thời gian tới. 

Nhân dịp 30 năm thu hút FDI, Bộ trưởng có thông điệp chia sẻ với nhà đầu tư nước ngoài?

Hiện nay, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi tốt nhất cho môi trường đầu tư thông qua các chỉ số, đánh giá của các thị trường, tổ chức lớn có uy tín, qua nỗ lực của Chính phủ hiện nay.

Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm tốt khi ta có thị trường lớn, có nền chính trị ổn định, tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, chúng ta có vị thế, vai trò cao hơn trong khu vực, cả nhiều nỗ lực cải cách về giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế đang tích cực triển khai. Tất cả những yếu tố này là môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Vì vậy, thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài là hãy đến với Việt Nam và quyết định ở lại đầu tư lâu dài với Việt Nam và đồng hành cùng với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.    

Tin bài liên quan