Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 2/6 tiêu chí hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 2/6 tiêu chí hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ diễn ra sáng 24/12, TS Đinh Thị Thanh Vân (Khoa Tài chính ngân hàng - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam chưa có một luật cụ thể, riêng biệt về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính.

Nhìn nhận tình hình an ninh trên mạng, TS Đinh Thị Thanh Vân trích dẫn số liệu của VNCERT, trong năm 2020 có khoảng 50 triệu người dùng bị đánh cắp thông tin (gồm số điện thoại cá nhân và tài khoản gmail). Ở Việt Nam tỷ lệ tổn thất do các hành vi lừa đảo trên mạng cũng tăng lên. Có khoảng 36% tỷ lệ phàn nàn liên quan tới bảo vệ thông tin khách hàng, thu nhập thông tin bất hợp phát, và không chính xác.

TS Vân cho biết, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ và sản phẩm tài chính (FCPF) là một chuỗi có trật tự của nhiều hoạt động, hành động hoặc quy tắc được thiết kế, phối hợp và thực hiện để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho người tiêu dùng. Cơ chế này bao gồm việc đặt ra các kỳ vọng cho tất cả các bên liên quan thông qua các quy tắc ứng xử, văn bản pháp luật, các quy định, hướng dẫn và chỉ thị với mức độ giám sát và thực thi phù hợp.

Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam được đánh giá là khá sơ sài. Cụ thể, trong 6 tiêu chí để đánh giá hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính thì Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 2 yếu tố là: có cơ quan quản lý khiếu nại và có hỗ trợ khách hàng bằng đường dây nóng.

Các tiêu chí khác (như: phổ cập các chương trình về rủi ro tiêu dùng; xử lý trực tiếp khiếu nại; nhận báo cáo khiếu nại từ các tổ chức tài chính và kiểm soát chất lượng phục vụ…) đều được các quốc gia khác (Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia) áp dụng, nhưng chưa ghi nhận có áp dụng tại Việt Nam.

“Luật Bảo vệ người tiêu dùng nói chung, không có tham chiếu riêng cho người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính. Việt Nam chưa có một luật cụ thể, riêng biệt về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, trong khi các luật hay quy định về giao dịch trong lĩnh vực tài chính, ví dụ Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có một điều khoản quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng (Điều 10) nhưng cũng chung chung và chưa đầy đủ. Mặt khác, Việt Nam chưa có một cơ quan quản lý chuyên trách nào chịu trách nhiệm riêng bảo vệ người tiêu dùng tài chính”, TS Vân đánh giá.

Chuyên gia này khuyến nghị cần thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện Bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Bộ Công thương có thể có bộ phận riêng biệt cho lĩnh vực tài chính, thành lập Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tài chính, cần có Luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính riêng: cơ chế giải quyết khiếu nại, trách nhiệm của tổ chức tín dụng… Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục tài chính, phát triển tài chính toàn diện, nâng cao trình độ tự bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ tài chính.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng - Phó phòng Quản lý rủi ro hoạt động Vietinbank, xu hướng tội phạm công nghệ đang chuyển dần từ tấn công cơ học sang khai thác các lỗ hổng về công nghệ và người dùng.

“Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc (KYC). Hành lang pháp lý cho kinh tế số chưa đủ và đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin còn tồn tại những bất cập nhất định, mức độ nhận thức, hiểu biết về dịch vụ tài chính, về ngân hàng số của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Do đó, nếu có sự đồng bộ thông tin liên ngành giữa ngân hàng và Bộ công an sẽ hỗ trợ các ngân hàng rất nhiều trong việc xác thực tính chính xác của các Giấy tờ tùy thân khách hàng sử dụng để đăng ký sử dụng dịch vụ của ngân hàng”, bà Hằng nêu giải pháp.

Tin bài liên quan