Bà Suhaili Ismail, Tham tán công sứ (Kinh tế), Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam.
Những dấu hiệu tích cực
Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/3/1973. Hai nước đã nâng cao hợp tác song phương thông qua việc ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ Đối tác Chiến lược vào ngày 7/8/2015.
Bất chấp những gián đoạn toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra từ năm 2020 đến năm 2022, thương mại song phương trong năm 2022 tiếp tục theo xu hướng tăng và có những dấu hiệu tích cực. Về quan hệ kinh tế, Malaysia vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 9, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 và là nguồn nhập khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến 22/3/2022, Thủ tướng Malaysia đã chào xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động của Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia 2021-2025, mở rộng giao lưu nhân dân và chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường thương mại song phương, phấn đấu hướng tới mục tiêu 18 tỷ USD vào năm 2025 và cân bằng thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, hai nước đã nhất trí tìm cách cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của cả hai bên, bao gồm nông sản và thủy sản, sản phẩm halal (sản phẩm phù hợp với người theo đạo Hồi), thực phẩm chế biến, sản phẩm và linh kiện điện tử.
Thách thức và cơ hội
Trong 11 tháng từ đầu năm 2022, tổng giá thương mại giữa Malaysia và Việt Nam đạt 17,85 tỷ USD, tăng 18,4% từ mức 15,08 tỷ USD của cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu của Malaysia sang Việt Nam ghi nhận mức tăng 12,3%, lên 11,15 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng 30,1%, từ 5,15 tỷ USD lên 6,7 tỷ USD.
Năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Malaysia. Trong ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia (sau Singapore, Indonesia và Thái Lan). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là sản phẩm điện và điện tử, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm dầu mỏ, sản phẩm chế tạo kim loại và máy móc, thiết bị và phụ tùng. Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam là sản phẩm điện và điện tử, sắt thép, hóa chất và sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép và các mặt hàng nông sản.
Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Malaysia mong muốn khai thác các lĩnh vực mới để bắt kịp xu hướng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực tiềm năng được xác định là công nghiệp halal, giáo dục, an ninh lương thực, ngành ô tô và công nghiệp năng lượng. Malaysia cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến vào năm 2023 và tăng cường nỗ lực khám phá các cơ hội đầu tư mới giữa hai bên.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, Malaysia đứng thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN - sau Singapore và Thái Lan và thứ 14 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 37 dự án đăng ký mới với số vốn 184,8 triệu USD. Đến nay, tổng vốn đầu tư lũy kế của Malaysia đạt 13,06 tỷ USD với 701 dự án đăng ký. Để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Malaysia quyết tâm thu hút các khoản đầu tư có chất lượng, tức là các khoản đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thâm dụng tri thức và kỹ năng, định hướng xuất khẩu, thâm dụng thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), có tác động lớn tới thu nhập quốc dân và có mối liên kết chặt chẽ với các ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời, Malaysia mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực như dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), năng lượng tái tạo, giáo dục, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ tài chính, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân, ngành du lịch, thương mại bán lẻ và dịch vụ halal.
Có thể nói, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi gia nhập ASEAN và hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Việt Nam là thành viên của 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và siêu lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã có hiệu lực và tạo ra một trong những thị trường lớn nhất khu vực và chuỗi cung ứng trên thế giới. Điều này cho thấy, Việt Nam đã phát triển thành một điểm đến đầu tư và thương mại hấp dẫn như thế nào.
Với việc Malaysia phê chuẩn và thực hiện CPTPP gần đây, dự kiến thương mại với Việt Nam sẽ tăng hơn nữa khi Malaysia miễn thuế cho 88% số dòng thuế của mình đối với Việt Nam, dự kiến là 100% vào năm 2033.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các nước đối tác ở châu Mỹ có FTA với Việt Nam như Canada, Peru và Mexico cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh.
Về thách thức, cả hai quốc gia đều đang gặp nhiều khó khăn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu và đại dịch Covid-19. Sự biến động của nền kinh tế toàn cầu dẫn đến lạm phát cao, giá xăng dầu cao và thiếu lao động có tay nghề cao. Ngoài ra, chi phí kinh doanh đã tăng do tăng giá nguyên liệu như vật liệu xây dựng, cũng như giá bất động sản tăng cao.
Giải pháp
Có thể nói, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi gia nhập ASEAN và hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Để giải quyết những thách thức trên, Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam và các nhà đầu tư tiềm năng bằng cách khám phá và tận dụng các cơ hội hiện có và cơ hội mới trong Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Malaysia đang triển khai, cũng như Chương trình Công tác Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật được đề ra trong khuôn khổ các FTA hiện nay.
Phái đoàn chúng tôi cũng có kế hoạch thiết lập các chương thảo luận bàn tròn, đồng tổ chức với khu vực tư nhân, như một nền tảng chung cho cộng đồng doanh nghiệp và Đại sứ quán để trao đổi các cập nhật chính sách và xu hướng kinh doanh, cũng như nhận phản hồi về các vấn đề và thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt trên thực tế.
Phái đoàn cũng sẵn sàng tạo điều kiện và kết nối các nhà đầu tư tiềm năng với các cơ quan kỹ thuật và chính phủ có liên quan để họ có thể tiếp cận các chương trình nâng cao năng lực, các hoạt động thương mại, đầu tư và xúc tiến cũng như các hội nghị và hội thảo kinh doanh. Chúng tôi cũng sẵn sàng mở rộng chuyên môn của mình về chứng nhận halal khi chúng tôi thấy rằng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải một số thách thức liên quan đến việc cấp chứng chỉ halal, trong khi nhìn chung thiếu thông tin về thị trường, văn hóa kinh doanh và mô hình tiêu dùng. Tất cả những điều đó cản trở họ tham gia sâu thị trường halal.
Chúng tôi cũng triển khai các hoạt động hợp tác khác, bao gồm nâng cao nhận thức và hiểu biết tốt hơn cho các bên liên quan chính và những người tham gia trong ngành về quy trình liên quan đến chứng nhận, chính sách thương mại và yêu cầu đầu vào (như an toàn thực phẩm, Đạo luật Thực phẩm Malaysia 1983 và Quy định Thực phẩm 1985), thông qua các diễn đàn, đối thoại và hội thảo để trao đổi kinh nghiệm và thông tin - có thể yêu cầu sự tham gia của các bên liên quan khác nhau của Malaysia, như Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm Malaysia.
Về hợp tác giữa Chính phủ hai nước, Phái đoàn chúng tôi mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để ký kết các bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực tiềm năng như đã xác định trong Kế hoạch hành động của Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia 2021-2025.
Đồng thời, Đại sứ quán mong muốn tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực song phương trong việc giảm thiểu các vấn đề về rào cản phi kỹ thuật và biện pháp phi thuế quan có thể cản trở thương mại xuyên biên giới và ảnh hưởng đến các cơ hội tiếp theo cho cả hai bên. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thành lập trung tâm tư vấn kinh doanh một cửa, hội nghị chuyên đề chung, đàm phán nhanh, đối thoại hai chiều, hoặc phiên họp ngắn của các cơ quan liên quan về các thủ tục mới nhất để nâng cao nhận thức trong ngành.
Malaysia cũng có kế hoạch nối lại Cuộc họp Ủy ban Thương mại hỗn hợp lần thứ 4 vào một ngày được hai bên thống nhất để đánh giá và xem xét tiến độ thương mại song phương, cũng như thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại song phương, khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.