Việt Nam lên vị trí 12 hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ

KPMG mới có cuộc khảo sát các nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ về các thị trường tăng trưởng cao. Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đã trao đổi với ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam về kết quả khảo sát này và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Việt Nam trong 12 tháng tới.
Ông Nguyễn Công Ái cho biết 9% số doanh nghiệp Mỹ cho biết dự định sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian 12 tháng tới

Ông Nguyễn Công Ái cho biết 9% số doanh nghiệp Mỹ cho biết dự định sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian 12 tháng tới

Ông có thể thông tin chi tiết về kết quả cuộc khảo sát mới đây của KPGM, nhất là những nhận định về thị trường Việt Nam?

Mới đây, KPMG đã thực hiện khảo sát với 100 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Theo kết quả khảo sát, 84% lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ mong muốn đầu tư vào các thị trường tăng trưởng cao, cao hơn rất nhiều so với mức 47% trong cuộc khảo sát tiến hành năm 2013.

Trong số các thị trường tăng trưởng cao, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ 12 lên thứ 4 trong các thị trường hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư từ Mỹ, với 9% số doanh nghiệp cho biết dự định sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian 12 tháng tới.

Từ nhận định này, các doanh nghiệp Mỹ có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam thế nào trong 12 tháng tới?

Đối với các doanh nghiệp Mỹ, tiềm năng thị trường, đặc biệt là tiềm năng thị trường tiêu dùng nội địa vẫn là cục nam châm thu hút các khoản đầu tư vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ cũng có thế mạnh trong một số ngành Việt Nam đang rất cần, như cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng, sân bay, nhà máy điện…

Về hình thức đầu tư, theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp Mỹ ưu tiên chọn hình thức liên doanh (45%) hoặc thông qua M&A (43%) để tận dụng sự hiểu biết thị trường của các đối tác trong nước.

Đầu tư vào các thị trường mới nổi, doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp những khó khăn, trở ngại gì và ông có đề xuất gì nhằm hỗ trợ nhà đầu tư?

Trong cuộc khảo sát năm 2014 đối với các thị trường tăng trưởng cao, các doanh nghiệp Mỹ nhìn nhận, các thách thức lớn nhất là sự khác biệt về văn hóa (36%) và cơ sở hạ tầng yếu kém (34%). Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cũng cảm nhận được sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp sở tại, đồng thời tiếp tục coi khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao tại địa phương là một trở lực trong việc thực hiện thành công các kế hoạch tăng trưởng của mình.

Khi được hỏi điều gì làm nên thành công của họ trong việc đầu tư vào các thị trường tăng trưởng cao, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chỉ ra rằng, yếu tố quyết định là khả năng thích nghi về văn hóa và việc tạo ra sự hòa thuận giữa đội ngũ lãnh đạo người Mỹ và lãnh đạo người địa phương.

Việt Nam đang đứng ở đâu trong chiến lược của các nhà đầu tư Mỹ, thưa ông?

Về sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ khẳng định, thị trường Việt Nam đang ngày càng cải thiện và chiếm được thiện cảm của các nhà đầu tư nhờ những nỗ lực chung của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới, Việt Nam có thể sẽ là thị trường đứng thứ 19 trên thế giới vào năm 2050 (tính theo GDP đến năm 2050, theo phương pháp ngang bằng sức mua), với 12 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Những dự báo như vậy làm gia tăng đáng kể tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư tiềm năng.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp phải không ít thách thức, trước hết là kết cấu hạ tầng còn yếu kém, hoạt động của bộ máy hành chính chưa hiệu quả, tính thiếu ổn định của hệ thống pháp luật, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao… Nếu khắc phục được những vấn đề đó, Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ trong những năm sắp tới.

Tin bài liên quan