Việt Nam làm cách nào để thoát bẫy thu nhập trung bình?

Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu chỉ tăng trưởng 5 - 6%/năm trong 20 năm tới.
Việt Nam sẽ phải dựa vào doanh nghiệp trong nước để phát triển

Việt Nam sẽ phải dựa vào doanh nghiệp trong nước để phát triển

Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2013 vừa qua hết sức khiêm tốn, khi GDP chỉ tăng bình quân 5,62%/năm.

Trước đó, giai đoạn 2000 - 2005 chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7%.

Xu thế kinh tế tăng trưởng chậm lại bắt đầu từ năm 2007 đến 2012 khi mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 15 năm qua. Mặc dù năm 2013 và 3 quý đầu năm 2014, GDP tăng trưởng cao hơn so với năm 2012, nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn kỳ vọng và tiềm năng của Việt Nam.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu chỉ tăng trưởng 5 - 6%/năm trong 20 năm tới. Để thoát bẫy thu nhập trung bình và tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm trong 20 năm tới.

Trước tình hình như vậy, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến 2025: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 10/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu câu hỏi “Việt Nam sẽ đi đến đâu và đi bằng cách nào trong 10 năm tới?”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khả năng tụt hậu của Việt Nam “đã rất rõ, chứ không còn là nguy cơ”. Nếu không có những động lực tăng trưởng trong 10 năm tới, thì nguy cơ tụt hậu về thu nhập bình quân của Việt Nam so với Lào, Campuchia, Myanmar là rõ ràng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, trong thời gian tới, cơ hội mở ra sẽ rất nhiều, nếu chúng ta biết nắm bắt được cơ hội từ chính những khó khăn, thách thức của quốc gia khác và chủ động tạo ra cơ hội.

Theo đó, từ khi sự kiện khủng hoảng Ukraine bùng nổ, hàng trăm tỷ USD đã bị các tập đoàn đầu tư rút khỏi Nga. Tại Hongkong (Trung Quốc), sự kiện biểu tình đòi dân chủ cũng đã khiến 278,9 triệu USD bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán Hongkong và 278,2 triệu USD ra khỏi các quỹ ETF mỗi ngày. Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đó là những cơ hội mà Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt.

Các tham luận tại Hội thảo cũng chỉ ra rằng, cơ hội Việt Nam có thể chủ động tạo ra để phát triển và tăng trưởng bền vững sẽ đến từ hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp tư nhân và con người Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cải cách thể chế hiện nay là phải có sự bình đẳng thực sự giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

GS-TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, rất đáng tiếc là, Việt Nam đã không tận dụng được nguồn lực để tác động lan tỏa trong nước, song Việt Nam sẽ phải dựa vào doanh nghiệp trong nước để phát triển, chứ không dựa vào FDI.

Ngoài ra, một yếu tố khác sẽ tạo động lực tăng trưởng trong thời gian tới là lực lượng lao động. Hiện nay, việc cơ cấu lại lao động tại Việt Nam diễn ra khá chậm. TS. Đoàn Hồng Quang đến từ WB Việt Nam nhận định, chênh lệch năng suất lao động giữa công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là 5 lần, nên chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp sẽ có góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc chuyển dịch lao động từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân cũng sẽ đem lại khả năng tăng trưởng, bởi tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng tăng đối với nền kinh tế.

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô bền vững và đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ phải hành động quyết liệt trong cải cách thể chế, tạo sân chơi công bằng và những chính sách đột phá về nguồn nhân lực trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Tin bài liên quan