Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC.
Bà đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023, cũng như đầu năm 2024?
Kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức từ quý IV/2022, chủ yếu do sự suy giảm nặng nề trong chu kỳ thương mại thế giới. Bất chấp những suy yếu trong lĩnh vực ngoại thương, chúng ta đã chứng kiến một chút bình ổn đáng quý trong các chỉ số dữ liệu theo chuỗi thời gian. Ngoài ra, ngành dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến du lịch vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Chúng tôi kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ từ quý IV/2023 nhờ bình ổn thương mại và đà tăng trưởng của du lịch góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng những tháng cuối năm. Thật thú vị khi nhận thấy tốc độ du khách Trung Quốc quay lại Việt Nam là cao nhất, vượt xa Thái Lan. Với sự thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng thị thực được triển khai từ giữa tháng 8, triển vọng du lịch Việt Nam tiếp tục khả quan.
Vậy theo bà, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có còn nhiều?
Lạm phát đang chậm lại ở các nước ASEAN, nên việc cắt giảm lãi suất sẽ sớm được đưa ra thảo luận, song vấn đề không chỉ xoay quanh lạm phát và tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, các vấn đề trong nước được đặt nặng hơn so với các vấn đề bên ngoài. Vì vậy, Việt Nam đã cắt giảm lãi suất trước các nước ASEAN khác, tương lai có khả năng còn một đợt giảm nữa.
Tin tốt là lạm phát của Việt Nam vẫn duy trì ở mức vừa phải, tạo dư địa triển khai thêm các hỗ trợ tiền tệ. Tháng 7/2023, lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5%. Mặc dù các dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy, lạm phát có thể giảm tốc so với lạm phát toàn phần, nhưng động lực lạm phát trở nên ít đáng ngại hơn đối với Ngân hàng Nhà nước, điều này đảm bảo sẽ có thêm hỗ trợ tiền tệ.
Trong bối cảnh trên, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất trong quý III/2023, nhưng đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn nếu “điều kiện thị trường cho phép”.
Dù vậy, chúng tôi vẫn thận trọng với những rủi ro gia tăng lạm phát tiềm ẩn, đặc biệt là do hiện tượng El Nino ngày càng nhiều hơn. Thực tế, đà lạm phát lương thực đã tăng mạnh trong 2 tháng qua. Một tác động khác là các đợt tăng giá năng lượng, với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây xin phép Chính phủ tăng giá điện một lần nữa do khó khăn tài chính.
Tỷ giá có chiều hướng nhích nhẹ thời gian gần đây, liệu áp lực mất giá VND có gia tăng trong mùa cao điểm cuối năm nay?
Vị thế tài khoản vãng lai của Singapore, Malaysia và Việt Nam sẽ mang lại một chút tự do về chính sách tiền tệ. Việt Nam lại may mắn chứng kiến VND ổn định nhờ cải thiện tình hình tài khoản vãng lai. Mặc dù xuất khẩu sụt giảm, nhưng nhập khẩu giảm nhiều hơn, dẫn đến thặng dư thương mại đáng kể. Cộng thêm nguồn doanh thu từ du lịch đang tăng lên, vị thế tài khoản vãng lai của Việt Nam đã cải thiện trong năm 2023.
Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát về mục tiêu 2%, thưa bà?
Lạm phát tháng 7/2023 của Mỹ tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra khiến ngân hàng trung ương Mỹ khó hạ lãi suất trong tương lai gần như kỳ vọng. Dù khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng chúng tôi kỳ vọng, Fed sẽ giữ lãi suất ổn định cho đến quý II/2024. Nói cách khác, chúng tôi tin rằng, Fed đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt trong giai đoạn này.