Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa công bố ấn phẩm Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022.
Tương tự như những ấn phẩm được xuất bản trước đây, nội dung Sách Trắng được xây dựng từ kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp, cùng với số liệu tổng hợp từ một số tổ chức có uy tín trên thế giới.
Năm 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02% trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51%.
Tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh thu TMĐT B2C Việt Nam năm 2017 – 2022 (tỷ USD). |
Đáng chú ý, năm nay Sách Trắng cũng tập hợp số liệu của các tổ chức uy tín trên thế giới về nghiên cứu thị trường thương mại điện tử, từ đó cung cấp cho người đọc bức tranh tương quan về tình hình phát triển thương mại điện tử của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và toàn cầu.
Xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch. |
Bước sang năm 2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có hiệu lực là khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.
Theo nghiên cứu thị trường thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia.
So với thực trạng thương mại điện tử thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng khá mạnh. Theo Statista, tốc độ phát triển thương mại điện tử toàn cầu có tốc độ phát triển là 16,24% vào năm 2021 và dự báo bứt phá lên 24.5% vào năm 2025.
Còn tại Việt Nam, con số này năm 2021 là hơn 20%, với quy mô 16 tỷ USD. Đến năm 2025, tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở nước ta có thể lên đến 29%, đạt 39 tỷ USD.
Dữ liệu của Metric.vn cho thấy Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là 4 sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
Báo cáo “Digital in Vietnam 2021” ghi nhận chi tiêu thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 cho từng ngành hàng. Trong đó, người mua chi tiêu nhiều nhất cho ngành du lịch, vận tải và lữ hành với tổng chi tiêu lên đến 3,18 tỷ đô la Mỹ. Tiếp theo là ngành hàng điện tử với tổng doanh thu đạt 1,57 tỷ USD, bằng 1/2 so với ngành dẫn đầu. Các ngành đạt doanh thu thương mại điện tử tỷ đô khác là thời trang và làm đẹp, nội thất và hàng gia dụng, thực phẩm.
Sách Trắng là tài liệu được xuất bản thường niên nhằm tổng hợp, cập nhật thông tin, số liệu toàn cảnh về thương mại điện tử Việt Nam từ môi trường hạ tầng chính sách đến mức độ ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng, doanh nghiệp. Ấn phẩm năm nay sẽ cung cấp dữ liệu thống kê về thương mại điện tử từ nhiều góc độ khác nhau đặt trong bối cảnh tương quan Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và toàn cầu.