Việt Nam là điểm đến quan trọng của doanh nghiệp Đức

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam và Đức đang củng cố mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
TS. Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam

TS. Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam

Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với TS. Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, về triển vọng hợp tác song phương và việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Thưa Đại sứ, đâu là điểm nhấn lớn nhất trong quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt sau hơn 1 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực?

Trong 25 năm qua, ngày càng nhiều công ty Đức đầu tư và hợp tác buôn bán với Việt Nam. Trong số đó có những công ty có thương hiệu lớn cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khoảng 350 công ty Đức đã hiện diện tích cực tại Việt Nam, nhiều công ty trong số đó có nhà máy sản xuất hạng nhất.

Đầu tư từ Đức chủ yếu tập trung vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, không chỉ cho thị trường Việt Nam, mà cho cả khu vực Đông Nam Á và thị trường thế giới. Hiện nay, lĩnh vực sản xuất của nhà đầu tư Đức tại Việt Nam đã chiếm một phần đáng kể trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một số công ty dệt may của Đức có tới 50% sản lượng trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Trong lĩnh vực vật tư y tế cũng vậy. Chẳng hạn, một công ty lớn của Đức được biết đến với thiết bị y tế hạng nhất đang có 1/3 sản lượng toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.

Tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đã trở nên rất rõ ràng trong thời gian qua, khi Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do ảnh hưởng của Covid-19, dẫn đến việc đóng cửa nhiều nhà máy, khiến chuỗi giá trị toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và một phần bị gián đoạn.

Với sự liên kết ngày càng nhiều với châu Âu, các công ty Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào Đức.

Máy móc, thiết bị công nghiệp, điện tử và hóa chất chiếm ưu thế trong hàng xuất khẩu của Đức sang Việt Nam, trong khi Việt Nam xuất khẩu sang Đức chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, nông sản (cà phê, các loại hạt, thủy sản, trái cây nhiệt đới, hạt tiêu) và các sản phẩm gỗ.

EVFTA là một bước tiến lớn. Hiệp định không chỉ là nhằm xóa bỏ thuế quan và mở cửa thị trường theo cả hai hướng, mà còn là đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất cao hơn, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao hơn trong hợp tác thương mại và đầu tư.

Thưa Đại sứ, thị trường Việt Nam quan trọng như thế nào đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Đức? Những lĩnh vực nào hấp dẫn nhất đối với họ?

Đối với các công ty Đức, Việt Nam đã trở thành một điểm đến quan trọng ở châu Á. Đặc điểm của thị trường này là dân số đông và còn khá trẻ; nhiều nhân viên năng động và tài năng; tầng lớp trung lưu phát triển nhanh với sức chi tiêu ngày càng lớn; một địa điểm thân thiện với đầu tư nước ngoài ở vị trí địa lý trung tâm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các lĩnh vực quan trọng đối với các nhà đầu tư Đức là máy móc, điện tử, các bộ phận kim loại, thiết bị, hóa chất và các sản phẩm công nghiệp khác cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau và dệt may. Đầu tư từ Đức vào Việt Nam đang tăng mạnh trong lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là phát triển các dự án năng lượng tái tạo - năng lượng mặt trời, gió, sinh khối), các công nghệ khác liên quan đến môi trường xanh hơn, tiết kiệm tài nguyên hơn và lĩnh vực công nghệ thông tin.

Một trong những bước phát triển đầy hứa hẹn trong những năm gần đây là sự hợp tác trực tiếp về công nghệ cao giữa các công ty hàng đầu của Đức như Siemens, SAP hay BMW với các công ty lớn của Việt Nam như FPT, VinFast.

Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu và khu vực. Việt Nam và Đức đã hợp tác chống đại dịch như thế nào, thưa Đại sứ?

Chúng ta chỉ có thể đánh bại đại dịch nếu Covid-19 được kiểm soát ở khắp mọi nơi. Đây là lý do tại sao việc hỗ trợ và các biện pháp phải được phối hợp ở tầm quốc tế. Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai cho nền tảng ACT-A-Accelerator, với 2,2 tỷ euro. Khoảng 1,62 tỷ euro của nền tảng này được sử dụng cho trụ cột vắc-xin COVAX. COVAX có kế hoạch phân phối tới 3 tỷ liều vào đầu năm 2022. Bằng cách này, 30% dân số ở các nước đang phát triển có thể được tiêm chủng. Đức tài trợ 20% chi phí cho các loại vắc-xin này và EU tài trợ hơn 30% chi phí.

Bên cạnh đó, Chính phủ Đức đã hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca và bổ sung 850.000 liều qua COVAX.

Bên cạnh vắc-xin, hai quốc gia đã có những nỗ lực đáng kể để hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian khó khăn này. Ví dụ, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ Đức hơn 100.000 khẩu trang khi bắt đầu đại dịch năm 2020. Mùa hè năm nay, các bang của Đức đã cung cấp thiết bị xét nghiệm nhanh cũng như khẩu trang, áo quần và tủ lạnh chuyên dụng cho các đối tác tại Việt Nam.

Đức cũng hỗ trợ Việt Nam các dự án phát triển cụ thể liên quan đến Covid-19 trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức. Một khoản tiền trị giá 104 triệu euro được sử dụng để thực hiện các hoạt động đang và sẽ diễn ra trong các lĩnh vực đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, phòng chống đại dịch, cải thiện sức khỏe, phục hồi xanh, an sinh xã hội và số hóa. Hỗ trợ của Đức cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm phòng chống đại dịch và các dịch vụ tư vấn chống buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế để trở thành một nước công nghiệp trong thập kỷ tới. Theo Đại sứ, thách thức chính mà Chính phủ Việt Nam phải đối mặt trong hành trình này là gì? Đức có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với Việt Nam để vượt qua thách thức này?

Nhiệm vụ trước mắt là khôi phục kinh tế sau đại dịch. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, điều này cần được thực hiện một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Một trong những thách thức chính là phải dung hòa giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, khí hậu. Điều này là khả thi. Nguồn cung cấp năng lượng là yếu tố trung tâm. Ở đây, điều quan trọng là phải phát triển một cách có hệ thống và rộng rãi các loại năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Hơn nữa, ô nhiễm không khí và nước cần được giảm bớt.

Những thách thức khác là Việt Nam phải có đủ lao động có đủ kỹ năng và kết cấu hạ tầng phát triển tốt. Đức sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này và tiếp tục hỗ trợ lâu dài để góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển xanh hơn và bền vững hơn.

Kỳ vọng của Đại sứ về quan hệ thương mại và đầu tư giữa Đức và Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa Đại sứ?

Triển vọng tổng thể là tích cực. EVFTA sẽ cho thấy nhiều tiềm năng tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu như số hóa và chuyển đổi năng lượng sẽ ngày càng gây áp lực lên chính phủ cũng như các lĩnh vực kinh doanh của chúng ta trong việc đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường cho ngành công nghiệp và kết cấu hạ tầng. Điều này có nghĩa là, các công ty sáng tạo, đổi mới và tiết kiệm tài nguyên nhất của cả hai quốc gia sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh và thông minh, sản xuất thép và xi măng xanh hơn... cũng có tiềm năng to lớn để tạo việc làm mới, áp dụng các giải pháp sáng tạo. Các nhà máy sản xuất sẽ được tiếp tục đa dạng hóa và sẽ phát triển quan hệ thương mại với các công ty của cả hai bên.

Tin bài liên quan