Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn đầu tư ngành bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngành bán dẫn toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ, trong xu hướng đó, Việt Nam đang được hưởng lợi nhiều và thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Các đại bàng đã tề tựu

Ngành bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu... Được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và sự phát triển vượt bậc của công nghệ mới, theo Hiệp Hội Công nghiệp bán dẫn SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023.

Tại Việt Nam, theo Savills, trong thời gian vừa qua đã thu hút nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới tỷ USD. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Được hưởng lợi từ những thay đổi toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Điển hình, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.

Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.

Savills thấy rằng, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn, từ đó mang lại lợi thế của bất động sản công nghiệp cho thị trường này.

Theo nghiên cứu của Savills, nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn đã kéo theo sự gia tăng trong việc tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng được tốt các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn. Một số yêu cầu cơ bản từ các doanh nghiệp bao gồm: nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả, từ đó đặt ra yêu cầu về nâng cấp chất lượng và hệ thống nhà xưởng đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam”.

Khu vực kinh tế phía Bắc được kỳ vọng tiếp tục điểm nóng của bất động sản công nghiệp trước làn sóng đầu tư bán dẫn mạnh mẽ hiện nay. Trong khi khách thuê bất động sản công nghiệp tại các tỉnh phía Nam thuộc các ngành chế biến sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm, nước giải khát, thì tại phía Bắc,vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, điện tử hay sản phẩm điện. Do đó, khi làn sóng đầu tư về bán dẫn phát triển, sẽ tạo thêm sức bật về phát triển đối với bất động sản công nghiệp phía Bắc.

Nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) hướng đến Việt Nam

Trong 20 năm đầu sau khi Việt Nam thực hiện Chương trình cải cách kinh tế đổi mới, Đài Loan (Trung Quốc) là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.

Ông John Campbell.

Ông John Campbell.

Kể từ đó, dòng vốn FDI của Đài Loan ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định. Một khảo sát của Cơ quan Kinh tế Đài Loan cho thấy, khoảng 18% các doanh nghiệp sản xuất truyền thống của Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, nhấn mạnh sự hấp dẫn của thị trường này.

Sự gia tăng đầu tư phù hợp với Chính sách Hướng Nam Mới của hòn đảo này, tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Kể từ khi ra đời năm 2016, chính sách này đã tăng cường hợp tác đáng kể với các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, mang lại lợi ích lớn cho ngành điện tử công nghệ cao của Việt Nam.

Các nhà đầu tư Đài Loan ưa thích lực lượng lao động trẻ, ngày càng có tay nghề cao của Việt Nam, môi trường kinh doanh ổn định, chi phí lao động và xây dựng cạnh tranh, vị trí địa lý gần các thị trường nguồn và thị trường tiêu thụ, cùng sự tham gia tích cực vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà sản xuất Đài Loan đã thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam với tầm nhìn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro sản phẩm, trong đó có các tập đoàn điện tử lớn như Foxconn, Pegatron, Compal và Wistron.

Việt Nam có tham vọng trở thành trung tâm chất sản xuất bán dẫn, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng với ngành công nghiệp chất bán dẫn thành công. Do đó, các nhà đầu tư Đông Bắc Á này có thể cung cấp kiến thức chuyên môn quý báu mà Việt Nam có thể tận dụng để đạt được các mục tiêu của mình.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực phía Bắc dự kiến sẽ tiếp tục thu hút các khoản đầu tư điện tử và chất bán dẫn từ Đài Loan, trong khi khu vực phía Nam có khả năng nhận các dự án sản xuất có giá trị gia tăng trung bình.

Trong năm 2023, Việt Nam đã thành công thu hút 36,6 tỷ USD FDI, tăng hơn 32% so với năm 2022. Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 2,88 tỷ USD, chiếm 8% tổng FDI đăng ký và tăng 13% so với năm 2022. Hiệu suất này củng cố mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và lâu dài giữa hai nền kinh tế. Điện tử vẫn là ngành sản xuất thu hút vốn đầu tư lớn nhất từ các nhà đầu tư Đài Loan vào năm 2023.

Về tổng FDI đăng ký 6 tháng đầu năm 2024, Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 1,05 tỷ USD, chiếm 7% tổng vốn, với 88 dự án mới đăng ký 529,8 triệu USD, 46 dự án hiện có tăng vốn 392,9 triệu USD, và 93 dự án có vốn góp và mua cổ phần lên đến 129 triệu USD.

Tin bài liên quan