Nhiều thị trường mới nổi đang muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo kinh nghiệm 40 năm đầu tư tại các quốc gia mới nổi của ông, đâu là lợi thế riêng của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh này?
Theo quan sát của tôi, Việt Nam là “chùm khế ngọt” của châu Á. Chỉ trong vài thập niên, Việt Nam từ một nước thuần nông đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Từ năm 2000 đến 2015, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam luôn ở mức xấp xỉ 6%. Năm 2015, tổng thu nhập quốc gia trên đầu người (GNI) của Việt Nam là 5.690 USD, gấp 6 lần mức 910 USD của năm 1990. Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất, tiêu dùng.
Đương nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Điểm khác biệt của Việt Nam so với các nước láng giềng, như Campuchia, Lào và Myanmar là dân số đông hơn, quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ hơn và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh hơn. Còn các nước phát triển sớm hơn, như Thái Lan, thì đang giảm tốc rõ rệt trong những năm gần đây.
Có quan ngại rằng, các chính sách kinh tế mới của Mỹ sẽ gây khó khăn đến các quốc gia mới nổi như Việt Nam?
Tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về các quốc gia mới nổi. Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào phát triển kinh tế nội địa Mỹ. Tôi tin rằng, điều này tốt cho nước Mỹ lẫn các nước khác trên thế giới.
Nhiều người lo ngại rằng chính sách “Nước Mỹ là nhất” của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng xấu đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, nhưng tôi không đồng tình.
Lấy ví dụ, Tổng thống Trump muốn cắt giảm thuế doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp mang tiền đang để ở nước ngoài về lại Mỹ. Khi được hỗ trợ phát triển và có nguồn tiền này, các công ty Mỹ nhiều khả năng sẽ chia cổ tức hậu hĩnh cho nhà đầu tư. Theo tôi, một phần trong khoản cổ tức này sẽ được dành để đầu tư vào các nước mới nổi...
Ngoài ra, lịch sử cho thấy không có nhiều mối tương quan giữa lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chỉ số của các thị trường mới nổi. Vì vậy, sức hấp dẫn của các nước mới nổi như Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định tăng lãi suất 3 lần trong năm nay của Fed.
Việt Nam cần làm gì để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài biến quan tâm thành hành động?
Đúng là Việt Nam chưa được các nhà đầu tư tổ chức lớn rót vốn vì thị trường này còn quá nhỏ. Để thực sự thu hút dòng vốn dài hạn của các “ông lớn” nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tăng cường số hàng hóa có chất lượng, cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện khó khăn ngân sách.
Cần yêu cầu doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trên sàn chứng khoán đúng thời hạn, để đảm bảo minh bạch thông tin và giúp nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu dễ dàng.
Khi tìm hiểu doanh nghiệp, chúng tôi quan tâm đến quản trị công ty, người đứng đầu doanh nghiệp là ai, động lực phát triển của công ty... Chúng tôi cần sự cởi mở của người đứng đầu doanh nghiệp Việt.
Franklin Templeton đang nhắm đến một số doanh nghiệp ngành sản xuất và tiêu dùng, các start-up do người Việt trẻ thành lập, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến Internet.