Ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu Hội đồng Vàng thế giới.
Tại Việt Nam, cơn sốt vàng diễn ra cuối năm ngoái đến nay đang làm xáo trộn tâm lý của người dân. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng khiến Chính phủ và NHNN phải can thiệp. Trên thế giới có quốc gia nào chênh lệch giá vàng cao đến mức phải can thiệp như Việt Nam không, thưa ông?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nên cầu vàng rất lớn. Riêng trong quý I/2024, cầu vàng miếng và vàng xu tại Việt Nam tăng tới 12%, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới lên tới 650 USD/ounce.
Tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng xảy ra ở một số nước trên thế giới, đơn cử như Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giá vàng ở các nước không cao như ở Việt Nam nên đa phần Chính phủ các nước cũng không không phải can thiệp.
Gần đây nhất , chỉ có Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào thị trường vàng. Nguyên nhân là cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào tháng 3 – tháng 4/2024 khiến người dân lo ngại về đồng nội tệ mất giá, ồ ạt mua vàng và ngoại tệ khác để phòng ngừa rủi ro. Trong bối cảnh này, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bán ra một lượng vàng dự trữ lớn theo giá giao ngay để đáp ứng nhu cầu vàng tăng đột biến của thị trường, sau đó lập tức mua vào vàng bổ sung.
Một ví dụ khác là Ấn Độ từng phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với giá vàng nhằm hạ nhiệt thị trường vàng trong nước. Trái phiếu này biến động theo giá vàng nhưng không được bảo lãnh bằng vàng.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này của NHNN?
Tôi vừa có chuyến công tác tới Việt Nam và đã làm việc với các doanh nghiệp vàng cũng như với Chính phủ, tôi biết các bên liên quan đều đang cố gắng để cải thiện thị trường vàng.
Tôi không thể đánh giá chi tiết mức độ hiệu quả của chính sách này song rõ ràng việc đấu thầu sẽ có tác động nhất định tới thị trường vàng trong nước. Dù vậy, kết quả các phiên đấu thầu vàng chưa rõ ràng do thời điểm Ngân hàng Nhà nước tiến hành đấu giá vàng diễn ra đúng vào thời điểm giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung trong nước có thể được tăng lên thông qua việc các phiên đấu thầu thì giá vàng trong nước vẫn tăng theo giá vàng thế giới.
Theo tôi được biết, việc đấu giá mới chỉ bắt đầu, NHNN đang nỗ lực để cải cách thị trường vàng. Tôi hi vọng Chính phủ và NHNN sẽ có thêm một số thay đổi về chính sách để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đặc biệt là xem xét đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng.
Trên thế giới, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, không có quốc gia nào tăng cung cho thị trường vàng bằng hình thức đấu thầu. Chỉ có hai cách duy nhất để tăng cung cho thị trường vàng: một là khuyến khích người dân bán vàng ra – điều này là bất khả thi trong bối cảnh giá vàng trong xu hướng tăng; hai là nhập khẩu vàng.
Việc áp dụng một số giải pháp như: mua bán vàng phải có hóa đơn điện tử, thanh tra thị trường vàng, xem xét cấm mua vàng bằng tiền mặt… sẽ tác động như thế nào tới thị trường vàng, theo ông?
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra những yêu cầu nhất định với giao dịch vàng, cả với bên mua và bên bán, bao gồm cả thẩm định nhân thân người mua nhằm phòng chống rửa tiền.
Việc giao dịch vàng phải có hóa đơn (kể cả qua sàn giao dịch hay không) gần như phổ biến ở các nước. Việc cho phép mua vàng bằng tiền mặt hay không tùy thuộc vào từng quốc gia, thường thì các quốc gia mặc định mua vàng phải thông qua tài khoản ngân hàng, một số quốc gia quy định mua vàng ở mức bao nhiêu trở lên sẽ phải thông qua tài khoản ngân hàng.
Các cơ quan quản lý Việt Nam dường như đang lúng túng trong câu chuyện ổn định tỷ giá với nhập khẩu vàng để tăng cung vàng. Các nước đã giải quyết vấn đề này thế nào?
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đứng trước tình trạng khó khăn này. Ấn Độ là một ví dụ điển hình, nước này đã có nhiều giải pháp để vừa tạo ra cân bằng cung – cầu vàng trong nước mà vẫn không bị ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai.
Thực tế, các quy định về nhập khẩu vàng của Việt Nam hiện nay rất chặt chẽ song bằng cách nào đó, vàng nhập khẩu vẫn vào Việt Nam qua các kênh khác nhau. Nói cách khác, Việt Nam vẫn đang phải chi lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, nếu Chính phủ cho phép nhập khẩu thì sẽ quản lý được tốt hơn.
Giá vàng tăng cao chưa từng có trong gần 5 tháng đầu năm nay là do đâu? Theo ông, giá vàng sẽ diễn biến thế nào thời gian tới?
Căng thẳng địa chính trị thế giới, sự bấp bênh của nền kinh tế, sức mua tăng kỷ lục của các ngân hàng trung ương… là các yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng thời gian qua. Tại châu Á, sự mất giá của đồng nội tệ cũng thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng.
Theo công bố, chỉ tính riêng trong quý I/2024, các ngân hàng trung ương đã mua vào 290 tấn vàng song con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều con số báo cáo. Làn sóng mua vào của các ngân hàng Trung ương đã bắt đầu từ hai năm qua và đang tiếp tục gia tăng. Tính chung trên toàn thế giới, cầu vàng quý I đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý I tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
Hội đồng vàng thế giới không đưa ra về dự báo giá vàng. Tuy nhiên, theo tôi xu hướng của giá vàng vẫn là đi lên.
Có nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng tới giá vàng thời gian tới. Thứ nhất là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là động thái cắt giảm lãi suất của Fed. Thứ hai, năm nay có nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra, quan trọng nhất là bầu cử Tổng thống Mỹ.
Lo ngại chính sách chưa rõ ràng khi thay đổi chính quyền cũng thúc đẩy nhà đầu tư tăng mua vàng để đề phòng rủi ro. Thứ ba, căng thẳng địa chính trị trên thế giới (xung đột Nga – Ukraine, Israel Hamas) cũng hỗ trợ giá vàng.