ĐTCK xin gửi tới độc giả bài viết của ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng, EY khu vực châu Á-Thái Bình Dương về kinh nghiệm phá sản các ngân hàng yếu kém trên thế giới, cùng quan điểm của tác giả đối với thông điệp trên.
Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới
Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007, nhiều quốc gia đã có phương pháp đặc thù trong việc cho các ngân hàng yếu kém phá sản. Theo đó, quá trình này được tiến hành qua các công ty luật theo 2 cách. Cách thứ nhất, Quản tài viên (thường là kế toán viên công chứng, luật sư) sẽ được chỉ định thanh lý tài sản của ngân hàng để tối đa hóa số tiền thu được từ thanh lý tài sản cho chủ nợ, theo thứ tự ưu tiên thanh toán khi phá sản công ty.
Cách thứ hai, Người thanh lý tài sản sẽ tập trung vào việc bán toàn bộ hay phần lớn ngân hàng như một thực thể, điển hình là trường hợp của Lehman Brothers, Barings Banks ở Mỹ và Northern Rock ở Anh.
Việc một quốc gia thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi sẽ đem đến các thay đổi quan trọng, cả trên khía cạnh chi trả cho người gửi tiền một số tiền nhất định và liệu cơ quan bảo hiểm tiền gửi có đủ quyền để yêu cầu ngân hàng thực hiện phá sản theo cách thứ hai ở trên hay không. Nếu cơ quan bảo hiểm tiền gửi có quyền này, họ có thể yêu cầu thực hiện phá sản ngân hàng sớm hơn để giảm thiểu số tiền phải thanh toán từ nguồn bảo hiểm tiền gửi.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo ra một khái niệm mới về ngân hàng, đó là “quá lớn để có thể sụp đổ”. Điều này xảy ra khi ngân hàng trung ương và chính phủ của một quốc gia lo lắng rằng sự sụp đổ của một ngân hàng lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế quốc gia đó. Do vậy, chính phủ của nhiều nước đã can thiệp và hỗ trợ các ngân hàng nhằm ổn định hoạt động và đảm bảo sự tồn tại của hệ thống.
Các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tài chính của quốc gia và các nhà lập pháp trên thế giới đã bắt đầu thực hiện khái niệm về “Kế hoạch giải quyết và phục hồi - RRP” để đối phó với tư duy “quá lớn để có thể sụp đổ”. Khái niệm này gồm 2 tầng, thứ nhất, cần có kế hoạch để đáp ứng các thách thức bao gồm theo dõi chặt chẽ các thông tin về trạng thái tài chính; có kế hoạch chi tiết đối với loại tài sản sẽ được bán, thanh lý, loại tài sản cần được bảo vệ để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Tầng thứ 2 bao gồm việc ban hành các quy trình pháp lý để cơ quan quản lý có cơ sở để quản lý các ngân hàng trong những tình huống này. Thông thường, các quy định này bao gồm 4 hướng giải quyết sau: ngân hàng sẽ được bán cho một bên thứ ba; được quản lý bởi các công ty quản lý tài sản (hoặc một ngân hàng trung gian) trước khi được bán lại (đối với các ngân hàng có tiềm năng sau khi được xử lý); được áp dụng biện pháp giảm nợ hoặc xóa nợ (bailed-in) từ trái chủ, theo đó, các khoản nợ bằng trái phiếu có thể được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu, trong các tình huống xấu hơn như trường hợp của Síp, tiền gửi của khách hàng có thể bị “bailed-in” thay vì được áp dụng các quy định về bảo hiểm tiền gửi; nhận gói cứu trợ từ chính phủ (tạm thời thuộc quyền sở hữu của nhà nước).
Nhìn ngược lại thời gian trước, trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, hàng loạt ngân hàng trên thị trường châu Á đã bị phá sản một cách nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, việc đóng cửa ngân hàng đều thuộc các biện pháp đề cập ở trên, chẳng hạn, đa số ngân hàng bị sáp nhập bắt buộc (Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia); bị mua lại bởi các đối tác nước ngoài (Thái Lan, Nhật Bản); một số ngân hàng nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua các ngân hàng trung gian, hoặc thông qua các công ty mua bán tài sản (AMC) (Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc…)
Việt Nam chưa có cơ chế rõ ràng để phá sản ngân hàng
Thách thức lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam là việc xây dựng niềm tin của người dân về việc sử dụng ngân hàng. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra không phải là việc liệu một ngân hàng nào đó quá lớn để có thể sụp đổ; mà là hệ thống ngân hàng có đủ mạnh để cho phá sản các ngân hàng yếu kém? Trong tất cả các trường hợp, xây dựng niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng là vấn đề tối quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế rõ ràng để phá sản các ngân hàng. Quá trình sáp nhập các ngân hàng cũng gặp khó khăn do yêu cầu về các cải cách pháp luật liên quan đến chủ nợ và thuế để hỗ trợ giao dịch hợp nhất. Do vậy, lộ trình thực hiện một cách chậm chạp và rườm rà, và trên thực tế, còn vấp phải các thách thức do sự can thiệp mang tính chính trị và lợi ích nhóm của các nhóm cổ đông.
Việt Nam đã có một ngân hàng cầu nối dưới hình thức công ty mua bán nợ (VAMC) và có thể được sử dụng để mua các ngân hàng yếu kém khi cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết các lợi ích của chủ sở hữu cũng là một nội dung cần được bàn bạc. Mô hình mua ngân hàng giá 1 USD tương tự như được thực hiện ở Anh và Mỹ cũng là một phần của giải pháp, vì điều này đã giải quyết vấn đề về lợi ích tương lai của cổ đông.
Các giải pháp thay thế khác có thể được xem xét gồm cho phép ngân hàng phá sản thông qua việc chỉ định quản tài viên hoặc bên quản lý và thanh lý tài sản.
Vấn đề nghi ngại lớn nhất cho những tình huống này là việc bảo vệ khách hàng gửi tiền nhỏ lẻ. Nếu các trường hợp này là hãn hữu (có thể được thực hiện cho từng trường hợp cụ thể), hoặc cần có cơ chế bảo hiểm tiền gửi có đủ nguồn lực để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, lúc đó, việc cho phá sản các ngân hàng có thể được thực hiện một cách dễ dàng mà không sợ đánh mất lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, do lợi ích của họ đã được bảo vệ.
Tóm lại, Việt Nam hoàn toàn có thể cho phá sản các ngân hàng yếu kém, nhưng cần đảm bảo đã cân nhắc kỹ độ tín nhiệm của công chúng vào tổng thể hệ thống ngân hàng và những việc cần làm đối với người gửi tiền nhỏ lẻ.