Việt Nam hãy cải tổ để vượt qua chính mình

Việt Nam hãy cải tổ để vượt qua chính mình

(ĐTCK) Các chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong năm qua, đặc biệt là về ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn bứt phá về tăng trưởng thì cần tận dụng sự ổn định đó để tiến hành các cải cách về cơ cấu một cách quyết liệt hơn nữa.

“Chính phủ nên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu”

 Ông Tomoyuki Kimura,
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng
Phát triển châu Á (ADB)
tại Việt Nam

Theo tôi, điều Việt Nam cần có là tăng trưởng tín dụng đạt chất lượng tốt, vốn được rót vào các ngành có năng lực sản xuất cao nhất. Để đạt được điều này thì chỉ hạ thấp các lãi suất thôi là chưa đủ. Mặc dù NHNN đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% và chủ trương tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, giảm dần tỷ trọng và số tuyệt đối cho vay lĩnh vực không khuyến khích, tuy nhiên, chưa có số liệu thống kê để đánh giá chính xác hiệu quả của chủ trương này.

Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu trong xử lý nợ xấu, nhưng đây vẫn là một thách thức trong năm 2014, vì sau khi chính thức áp dụng Thông tư 02, nợ xấu sẽ được đánh giá một cách thực chất hơn. Nhiều chuyên gia đã dự đoán là nợ xấu thậm chí sẽ tăng lên theo các tiêu chí phân loại mới này. Như vậy, cần cả một lộ trình để xử lý nợ xấu và không thể rút ngắn hoặc đi tắt được. Chính phủ vẫn phải tiếp tục những nỗ lực giải quyết nợ xấu ngân hàng và tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý tài chính. Và chỉ khi đó mới có thể hạ lãi suất một cách chắc chắn và Việt Nam mới có thể tăng trưởng trở lại ở mức 7 - 8%/năm.

Đồng thời với việc tiếp tục xử lý nợ xấu, Chính phủ cũng cần tiếp tục các nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh.

Để hỗ trợ một cách thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài thì cần tiếp tục cải tiến các trình tự, thủ tục hải quan… Tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào khu vực sản xuất - kinh doanh. Đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách, tạo nhiều hơn công ăn việc làm và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Chúng tôi cũng đã khuyến nghị Chính phủ nên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu, đặc biệt là cần sớm áp dụng Thông tư 02, không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Mặc dù VAMC được thành lập và hoạt động nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng. Do chưa có cơ chế rõ ràng để xử lý triệt để nợ xấu hay bán nợ cho bên thứ ba, dư luận đang chờ xem VAMC sẽ làm gì với nợ xấu mua lại từ các ngân hàng và không biết vốn mới có được bơm tiếp vào các ngân hàng có nợ xấu cao hay không.

Hiện nay, đầu tư của Việt Nam còn dàn trải, hiệu quả đầu tư còn thấp. Vì vậy, khuyến cáo thứ hai của chúng tôi đối với Chính phủ là tiếp tục củng cố tình hình tài khóa, đồng thời tăng cường hiệu quả đầu tư công thông qua xét duyệt quy trình lập kế hoạch và đưa ra các tiêu chí hết sức chặt chẽ để lựa chọn các dự án sẽ được rót vốn.

“Các cải cách cơ cấu là chất xúc tác chính cho đầu tư tư nhân”

 Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc
Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB)
tại Việt Nam

Tiến độ khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô đã được thực hiện khá tốt, lạm phát trở về một con số và tăng cường được các cân bằng bên ngoài. Một số lựa chọn chính sách quan trọng sẽ phải được thực hiện để tiếp tục duy trì đà ổn định tích cực này. Trong đó, cần lưu ý, bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào, ngay cả khi điều kiện kinh tế cho phép, sẽ chỉ phát huy hiệu lực nếu các chức năng của thị trường tín dụng được phục hồi thông qua các cải cách ngành ngân hàng. Việc các ngân hàng có thanh khoản dồi dào nhưng lại thích đầu tư vào trái phiếu chính phủ chứ không phải cho vay ra nền kinh tế chính là một biểu hiện quan ngại về nợ xấu.

Chính phủ cũng đang phải đối mặt với một số lựa chọn chính sách tài chính quan trọng để làm sao cân bằng giữa việc cần có các biện pháp tài chính mang tính ngược chu kỳ để bù đắp nhu cầu khu vực tư nhân yếu hiện nay, trong khi vẫn phải theo đuổi củng cố tài khóa trong bối cảnh không gian tài khóa đang bị thu hẹp. Để cân bằng, chính quyền cần làm sao đạt được cả mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ khu vực tư nhân trong ngắn hạn, đồng thời củng cố tài khóa trong trung và dài hạn.

Những nỗ lực để hỗ trợ tăng trưởng nên tập trung hơn vào việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh dài hạn của các doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua hỗ trợ để nâng cấp công nghệ và đổi mới, phát triển kỹ năng và năng lực quản lý.

Về cơ bản, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi. Theo cập nhật kinh tế mới nhất của WB cho Việt Nam, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng nhẹ, lên 5,4%, lạm phát giữ được ở mức một con số trong năm 2014. Kịch bản này dựa trên giả định tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, rút kích thích tài khóa và tập trung cải cách cơ cấu, đặc biệt trong cải cách doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng và giảm bớt những điều kiện kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những rủi ro quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn là niềm tin của khu vực tư nhân còn yếu, trong khi nhu cầu còn yếu, đặc biệt rất nhạy cảm với sự bất ổn của kinh tế toàn cầu hay các thông tin tiêu cực liên quan đến rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và DNNN. Thứ hai, đà cải cách tiếp tục chậm, đẩy tăng trưởng GDP xuống một quỹ đạo thấp hơn và tiếp tục mạo hiểm với sự bền vững của tài khóa.

“Một năm tốt cho những triển vọng”

Ông Sanjay Kalra,Đại diện thường trú
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên nhìn lại những thành tựu, từ việc thực hiện chính sách tiền tệ trong năm 2013, lạm phát hạ xuống mức một con số và duy trì trong suốt gần 12 tháng vừa qua; tỷ giá ổn định và dự trữ quốc gia thì tăng cao, và NHNN đã điều hành thị trường vàng khá hiệu quả. Kết quả là chúng ta có một hệ thống ổn định hơn, kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng hơn và trên tất cả, đây là một năm tốt cho những triển vọng.

Tỷ giá ổn định sẽ tạo ra niềm tin vào đồng nội tệ. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều niềm tin hơn khi thực hiện các hoạt động kinh tế. Điều này cũng có nghĩa rằng, mối quan hệ giữa bên cho vay và bên đi vay cũng sẽ cân bằng hơn. Tỷ giá ổn định cũng cho phép dòng vốn nước ngoài tham gia vào nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Tính thanh khoản bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ được cải thiện nhờ sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Tóm lại, tỷ giá ổn định sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực hơn so với năm 2013.

VAMC vận hành vào đầu tháng 10/2013, đến nay, công ty này đã bắt đầu thu mua nợ của các ngân hàng và phát hành trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, trong năm nay, Việt Nam cần đạt được mục tiêu thực sự trong việc xử lý khối nợ xấu này. Chúng ta mới chỉ nhìn thấy nợ xấu từ các ngân hàng chuyển vào VAMC, bước tiếp theo là phải xử lý tài sản đảm bảo đi cùng những khoản nợ xấu này. Và kết quả đối với việc chuyển các khoản nợ xấu từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sang VAMC và bắt đầu bán chúng ra thị trường. Và chúng ta đang chờ đợi bước tiếp theo.

Những kết quả của năm 2013 là khá tốt, các nhà lập pháp đã có cơ hội thu hẹp dần các chính sách đã từng sử dụng trước đây. Tôi tin rằng, nền kinh tế sẽ không còn chịu sức ép lạm phát đến từ chính sách tài khóa hoặc đến từ điểm yếu của nền kinh tế. Do vậy, đối với chính sách tiền tệ, việc giám sát những sức ép lạm phát cực kỳ chặt chẽ là điều cần thiết trước khi thực hiện những thay đổi về chính sách lãi suất.

Nhìn chung, tôi nghĩ rằng, việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam có lợi ích vô cùng quan trọng. Chúng ta thấy rằng, ngay cả bây giờ, các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra nhiều lợi ích cho một nền kinh tế, bao gồm lợi ích từ xuất khẩu, mang đến những kỹ năng mới, công nghệ mới cho nền kinh tế. Do vậy, nếu có sự tham gia nhiều hơn nữa của nguồn vốn nước ngoài thì những lợi ích kể trên sẽ được mang lại cho Việt Nam. Trên tất cả, nếu nhiều nguồn vốn đổ vào Việt Nam, nó sẽ bổ sung cho thị trường vốn Việt Nam.