Ông Avinash Deepak Satwalekar

Ông Avinash Deepak Satwalekar

Việt Nam hấp dẫn đối với ngành quản lý quỹ

(ĐTCK) Đó là đánh giá của ông Avinash Deepak Satwalekar, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) khi trao đổi với ĐTCK.

Vì sao VCBF quyết định lần đầu tiên lập quỹ đầu tư đại chúng, sau một thời gian dài chỉ quản lý các quỹ thành viên?

Việc thành lập và quản lý các quỹ mở nằm trong chiến lược phát triển lâu dài đã được hoạch định từ trước của VCBF. Thực tế, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với ngành quản lý quỹ do các nhà đầu tư cá nhân hiện tại đang thiếu các công cụ đầu tư và tiết kiệm dài hạn.

Trong khi đó, VCBF lại có một lợi thế đặc biệt trong việc quản lý các quỹ mở: cổ đông nước ngoài của VCBF là Franklin Templeton Investments (FTI) là một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm quản lý quỹ trên toàn cầu, còn Vietcombank lại có mạng lưới phân phối lớn trong nước. Với những lợi thế này, chúng tôi kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường quỹ mở trong tương lai.

Việc lập quỹ mở của chúng tôi là nhằm đáp ứng nhu cầu của cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu niêm yết, bên cạnh các quỹ thành viên phục vụ nhà đầu tư tổ chức đầu tư vào khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp chưa niêm yết.

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng cho quỹ mở VCBF-TBF như thế nào, thưa ông?

Chúng ta đang trong giai đoạn hình thành ngành quản lý quỹ mở nên tôi chỉ có thể nói thế này: Tổng quy mô của các quỹ mở ở các nước đang phát triển thường dao động từ 5 - 10% GDP.

Giả định trong 10 năm tới, ngành quản lý quỹ Việt Nam có thể tăng trưởng và đạt 5% GDP thì quy mô của các quỹ mở là khoảng 10 tỷ USD (với giả định GDP tăng trưởng 5%/năm).

Với mục tiêu là một công ty quản lý quỹ mở hàng đầu Việt Nam , chúng tôi kỳ vọng một mức tăng trưởng cao cho VCBF-TBF.

Doanh thu phí quản lý quỹ của VCBF trong nửa đầu năm nay đã giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái và VCBF cũng đã lỗ đáng kể. Vậy Công ty sẽ làm thế nào thuyết phục nhà đầu tư tin là Công ty sẽ quản lý tốt VCBF-TBF, thưa ông?

Chúng tôi muốn lưu ý nhà đầu tư phân biệt giữa lợi nhuận của quỹ và của công ty quản lý quỹ. Các quỹ thành viên do chúng tôi quản lý, VPF1, VPF2, VPF3 nằm trong những quỹ có kết quả hoạt động tốt nhất thị trường, nếu so với các quỹ được thành lập trong cùng thời kỳ.

Quỹ VPF1 đã hoàn trả toàn bộ vốn gốc cho nhà đầu tư chỉ sau 1 năm hoạt động. Quỹ VPF3 thành lập tháng 9/2007 khi thị trường chứng khoán ở mốc rất cao, nhưng vẫn có lãi.

Theo đúng thời hạn hoạt động được xác định từ trước, VPF2 đóng từ năm 2011, VPF1 và VPF3 cũng đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Trong khi doanh thu giảm, chúng tôi lại đầu tư lớn cho việc thành lập quỹ mở đã dẫn đến có kết quả lỗ trong giai đoạn này.

Nhưng với hai cổ đông lớn như Vietcombank và FTI, chúng tôi có khả năng tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động, trong khi các công ty quản lý quỹ nhỏ có thể không có khả năng gánh các khoản lỗ đó.

Tình hình tài chính của VCBF hiện tại rất lành mạnh, với chỉ số an toàn tài chính theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đạt 434% và số dư tiền lên đến 65,4 tỷ đồng (tại ngày 30/6/2013). Với Ban điều hành quỹ có tổng cộng 37 năm kinh nghiệm, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng có thể quản lý tốt quỹ VCBF – TBF cũng như các quỹ mở khác sau này.

VCBF-TBF có đối tác lớn nào cam kết góp vốn hay chưa?

Hai cổ đông của VCBF là ngân hàng Vietcombank và FTI đều có cam kết góp vốn vào các quỹ mới do VCBF thành lập để hỗ trợ các sản phẩm mới, đồng thời cũng nhằm mục đích tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi đầu tư vào quỹ.

Vì sao VCBF chọn hình thức quỹ đầu tư cân bằng thay vì quỹ đầu tư trái phiếu hay quỹ cổ phiếu, thưa ông?

VCBF có kế hoạch thành lập và quản lý tất cả các loại sản phẩm quỹ mở với các chiến lược đầu tư từ bảo thủ (quỹ trái phiếu) đến tăng trưởng (quỹ cổ phiếu) để đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhà đầu tư. Tuy nhiên, VCBF lựa chọn thành lập quỹ cân bằng đầu tiên dựa theo kết quả khảo sát các nhà đầu tư tiềm năng chúng tôi thực hiện năm 2012.

Chúng tôi nhận thấy rằng, quỹ cân bằng có các đặc tính phù hợp nhất với nhu cầu của đại đa số các nhà đầu tư được khảo sát. Điều này cũng có thể được giải thích bởi việc nhà đầu tư Việt Nam quen thuộc hơn với các hình thức đầu tư bảo thủ (ví dụ gửi tiết kiệm tại ngân hàng). Quỹ đầu tư cân bằng cũng là cầu nối giữa công cụ đầu tư truyền thống (tiền gửi ngân hàng) với công cụ đầu tư có lợi nhuận cao hơn (cổ phiếu).