Việt Nam được đánh giá là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc cao thứ 2

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc cao thứ 2

Việt Nam “hạnh phúc” như thế nào?

Theo báo cáo của tổ chức New Economics Foundation (NEF), Việt Nam được đánh giá là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) cao thứ 2. Vậy chỉ số này có ý nghĩa như thế nào?

Công thức tính mà NEF đưa ra như sau: HPI = (chỉ số hài lòng cuộc sống x tuổi thọ trung bình)/ chỉ số dấu ấn sinh thái (EF).

 

Để đo lường độ hài lòng cuộc sống, NEF sử dụng các câu hỏi khảo sát của tổ chức thăm dò uy tín Gallup, người tham gia sẽ đưa ra câu trả lời định lượng trong thang điểm 0 (tệ nhất) đến 10 (tốt nhất). Chỉ số này của Việt Nam là 5,8/10. Với hai chỉ số còn lại, NEF sử dụng số liệu từ Báo cáo phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2011 (tuổi thọ trung bình) và của tổ chức Global Footprint Network năm 2012 (chỉ số EF).

 

Trong bảng xếp hạng chính thức (không sử dụng số liệu điều chỉnh bất bình đẳng), nếu nhìn vào công thức như vậy để thấy chỉ số HPI phụ thuộc phần lớn vào chỉ số dấu ấn sinh thái. Nếu dấu ấn sinh thái càng nhỏ thì chỉ số HPI càng cao. Chỉ số EF đo lường nhu cầu của con người với hệ sinh thái trên trái đất, qua đó đánh giá và định hướng hoạt động phục vụ cuộc sống con người mà không ảnh hưởng tới các hệ sinh thái trên hành tinh.

 

Đặt trong bối cảnh Việt Nam (EF 1,4) là nước đang phát triển, sự khai thác môi trường chưa thực sự đậm đặc như các nước công nghiệp, đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chất lượng sống và sức khoẻ người dân được cải thiện nên có thứ hạng cao. Trong hai bảng xếp hạng năm 2006 và 2009, chỉ số HPI của Việt Nam lần lượt đứng thứ 12 và 5.

 

Điều đáng nói là hai chỉ số tuổi thọ và độ hài lòng bị chi phối bởi bất bình đẳng trong xã hội. Về lý thuyết, vẫn có khả năng hai quốc gia có cùng định lượng về tuổi thọ và mức hài lòng. Hơn nữa, yếu tố thoả mãn cuộc sống và tuổi thọ của một nước chắc chắn bị ảnh hưởng bởi phân phối thu nhập. Một phần thưởng 5.000 USD sẽ khiến những người chỉ thu nhập 10.000 USD/năm có sự phấn chấn và tuổi thọ khác những người kiếm được 100.000 USD/năm. Cho nên ai cũng sẽ nghĩ là thu nhập càng nhiều thì kết quả hài lòng cuộc sống và tuổi thọ sẽ cao hơn.

 

Trong bảng xếp hạng HPI 2012, NEF thực hiện bảng xếp hạng riêng để nghiên cứu cả sự bất bình đẳng từ hai yếu tố thoả mãn cuộc sống và tuổi thọ, chứ không phải là thu nhập. Trong bảng xếp hạng riêng khi chưa tính chỉ số EF, thứ hạng của các nước tăng lên, Việt Nam vẫn đứng thứ 2.

 

Qua đó, có thể thấy khái niệm “hạnh phúc” của chỉ số HPI hướng đến một cuộc sống hài hoà với môi trường tự nhiên, đo lường những yếu tố quan trọng để theo dõi các quốc gia đang thực hiện tốt tới đâu trong việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho người dân của mình mà vẫn bảo đảm điều này tiếp diễn trong tương lai.

 

Trong một chừng mực nào đó, chỉ số HPI có ý nghĩa cảnh báo các quốc gia về yếu tố quan trọng của môi trường. Xem xét tổng quan bảng xếp hạng sẽ thấy cho dù là nước có thu nhập cao hay thu nhập thấp đều đang đối mặt với thách thức chung về môi trường. Nếu chỉ chăm chăm phát triển công nghiệp mà đánh đổi bằng hệ sinh thái suy yếu dần, tài nguyên cạn kiệt thì cuộc sống hạnh phúc đó không thể bền vững.