Phát biểu tại buổi lễ, bà Pauline Eizema, Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết: “Mục tiêu của Biên bản ghi nhớ này là nhằm cụ thể hóa hợp tác Việt Nam – Hà Lan trong việc tăng cường hệ thống quản lý an toàn thực phẩm với sự tham gia của Ngân hàng Thế giới. Trong quá trình này, chúng tôi sẽ tham vấn Cục An toàn Thực phẩm và Hàng tiêu dùng Hà Lan và Viện Nghiên cứu An toàn thực phẩm RIKILT.”
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp luôn quan tâm và đặt mục tiêu là quản lý và kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thuỷ sản.
Bộ NN&PTNT xác định là năm 2017 là năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo nhằm tạo chuyển biến rõ nét về cơ chế quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường nhập khẩu.
"Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của Việt Nam, ngành nông nghiệp cần có sự hỗ trợ của quốc tế. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều phương án kết hợp, đặc biệt với kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các định chế phát triển, sẽ góp phần từng bước cải thiện mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay", Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.
Trong bản Thỏa thuận Đối tác chiến lược, hai bên đã thống nhất Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Hiện tại, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Hà Lan và Ngân hàng Thế giới trong việc đánh giá và xác định các rủi ro về an toàn thực phẩm.
Bộ NN&PTNT, Chính phủ Hà Lan (thông qua Bộ Kinh tế Hà Lan) và Ngân hàng Thế giới sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch triển khai dựa trên các khuyến nghị trong bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ đóng vai trò đầu mối khởi động các thảo luận và lên kế hoạch triển khai.
Kế hoạch triển khai sẽ bao gồm các dự án, các hoạt động cụ thể giúp Việt Nam cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt hướng đến các tiêu chí an toàn thực phẩm quốc tế.
Cụ thể gồm xây dựng và triển khai hệ thống giám sát an toàn thực phẩm dựa trên cách tiếp cận từ việc đánh giá rủi ro; phát triển hướng tiếp cận “từ trang trại đến bàn ăn”, tính đến tất cả quy trình từ sản xuất thực phẩm, cho tới tiếp thị và tiêu dùng; nâng cao chất lượng hệ thống các phòng kiểm nghiệm.