Câu hỏi đặt ra không sai, khi thông tin gần đây trên một số phương tiện truyền thông cho biết, năm 2013, cơ quan thuế khi thanh tra, kiểm tra tại 2.110 doanh nghiệp, đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 40% tổng số thu).
Một con số khác, báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước cho thấy, có tới 720/870 doanh nghiệp FDI có vi phạm về thuế.
Thực ra, chuyện chuyển giá, hay lỗ giả - lãi thật ở các doanh nghiệp FDI không phải là câu chuyện mới. Thật đáng mừng khi những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã rất tích cực trong công tác chống chuyển giá để phanh phui một số vụ chuyển giá lớn và truy thu được khoản thuế lớn cho ngân sách quốc gia.
Phải mạnh tay và không thể nhân nhượng với chuyển giá, để không chỉ tăng thu ngân sách, mà còn đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công bằng. Song cũng phải thẳng thắn rằng, dù xu hướng chuyển giá có vẻ ngày một tăng, hay nói đúng hơn là số vụ được phanh phui ngày một nhiều, thì đó cũng chỉ là một trong những tồn tại của FDI. Không thể chỉ nhìn vào câu chuyện này để phủ nhận hoàn toàn những đóng góp to lớn của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
Thực tế sau hơn 25 năm thu hút FDI đã cho thấy, khu vực kinh tế này đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, trong bài viết cho Báo Đầu tư, đăng trên trang 5 số báo này khẳng định, FDI đã góp phần quan trọng vào việc đưa nước ta từ nước kém phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp), với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong hơn hai thập niên thuộc loại cao trên thế giới, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại…, kim ngạch xuất nhập khẩu từ vài tỷ USD năm 1991 có thể đạt tới khoảng 300 tỷ USD năm 2014.
Những tồn tại trong khu vực FDI, như câu chuyện chuyển giá nói trên, hay chuyện sức lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực kinh tế trong nước còn yếu, chuyển giao công nghệ chưa đạt kỳ vọng, một số dự án FDI gây ô nhiễm môi trường… đã được đánh giá rõ trong Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ. Đó là những vấn đề đòi hỏi phải được khắc phục, song không thể vì những tồn tại đó mà phủ nhận vai trò quan trọng của dòng vốn FDI, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn lực đầu tư trong nước có hạn.
Thực tế đã chứng minh rằng, kể từ năm 2008 tới nay, khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì chính khu vực FDI đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Không có khu vực FDI, kinh tế Việt Nam không thể có được năng lực sản xuất và xuất khẩu, hội nhập và tốc độ tăng trưởng và dần từng bước hồi phục như những năm qua.
Đặc biệt, đã đến lúc phải làm sao nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa của khu vực FDI đối với nền kinh tế, làm sao phát triển công nghiệp phụ trợ để Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và thực chất hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu; phải nâng cao năng lực chống chuyển giá.