Một số doanh nghiệp trên thế giới áp dụng các sáng kiến như đảm bảo cơ hội phát triển (34%), tạo dựng văn hóa hòa nhập (34%) và giờ làm việc linh hoạt (31%) đều gia tăng trên tất cả các khía cạnh được đo lường của Báo cáo.
Tại Việt Nam, các chỉ số khảo sát được ghi nhận cao nhất toàn cầu gồm đảm bảo cơ hội phát triển (56%), xây dựng nền văn hóa hòa nhập (58%), và làm việc linh hoạt (56%).
Tuy nhiên trên toàn cầu, mức độ đưa nữ giới vào các vị trí lãnh đạo cấp cao đang bị chậm lại. Hiện nay, phụ nữ chiếm 29% các vị trí lãnh đạo cấp cao - tương tự so với năm trước, trong khi đó tỷ lệ này nhỉnh hơn tại Việt Nam, ở mức 32% với các vị trí phổ biến như giám đốc nhân sự (36%) và giám đốc tài chính (32%).
Bà Francesca Lagerberg, một lãnh đạo toàn cầu của Grant Thornton quốc tế cho biết: “Thật vui mừng khi thấy nhóm các doanh nghiệp tầm trung đang thúc đẩy các hành động khuyến khích và tạo cơ hội cho nữ giới đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo.
Năm 2018, tỉ lệ phụ nữ lãnh đạo tăng vượt trội trong xã hội các nước phương tây, nhưng tỷ lệ này bị chững lại trong năm nay phản ánh không có sự thay đổi nhiều ở các vị trí cấp cao. Tuy nhiên, với việc nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới của nhiều các doanh nghiệp tầm trung, thị trường sẽ có nhiều phụ nữ hơn ở cương vị lãnh đạo trong những năm tới".
Còn theo bà Valerie Teo, Phó tổng giám đốc chuyên trách dịch vụ tư vấn thuế của Grant Thornton Việt Nam: Nếu chúng ta muốn tiếp tục có nhiều phụ nữ ở vị trí cấp cao thì các doanh nghiệp cần phải có nhiều quan tâm hơn. Các chính sách phải đảm bảo xem xét đa chiều trong các quyết định về cơ hội bình đẳng trong phát triển nghề nghiệp, hạn chế sự thiên vị trong tuyển dụng và việc phát triển văn hóa hòa nhập không thể được xem cho có - mà đó phải là bắt buộc.
"Khi thực hiện, các chính sách này phải được chấp hành và cần đánh giá thường xuyên để điều chỉnh hiệu quả. Khi điều này có được sự cam kết thực sự từ lãnh đạo cấp cao thì tiến trình thay đổi mới có thể diễn ra”, bà Valerie Teo nhận định.