Báo cáo cho thấy, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực đầu tư vào FinTech trong năm 2019, chiếm 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong khu vực ASEAN, so với mức chỉ có 0,4% vào năm 2018.
Mức tăng này một phần nhờ có hai thương vụ lớn, là thương vụ đầu tư 300 triệu USD vào VNPay và 100 triệu USD vào Momo Pay. Quy mô dân số lớn với tỉ lệ lớn người dân chưa sử dụng ngân hàng, cùng số lượng người sử dụng Internet lớn là những nhân tố thúc đẩy việc đầu tư vào FinTech tại Việt Nam.
Báo cáo cũng cho thấy, việc tập trung vào các giải pháp thanh toán là xu hướng phổ biến ở các nước đang trong giai đoạn đầu của FinTech. Sự tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực này của Việt Nam một phần nhờ nỗ lực của chính phủ nước này trong việc chuyển hướng sang thanh toán di động cũng như ủng hộ phát triển FinTech thông qua những hoạt động như Ngày hội FinTech Việt Nam (FCV) .
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Là một ngân hàng cam kết hỗ trợ phát triển FinTech trong khu vực, chúng tôi rất vui mừng khi nhiều công ty FinTech tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán, đã thu hút đầu tư ngày càng lớn hơn. Với dân số trẻ và thành thạo công nghệ số, Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các giải pháp tài chính, cũng như kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này”.
Trong khảo sát khi thực hiện báo cáo này, 40% các công ty có trụ sở ngoài khu vực ASEAN-6 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam; 4 nước ASEAN khác là Brunei, Cambodia, Lào và Myanmar không tham gia trong nghiên cứu do FinTech ở các nước này chưa phát triển) có kế hoạch đầu tư vào đây.
Trong số đó, 13% có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy sự tăng trưởng số lượng các công ty FinTech trong khu vực ASEAN-6, từ con số 749 công ty lên 2.590 công ty (tính đến quý III/2019).
Bà Janet Young, Giám đốc Kênh phân phối và Số hóa tập đoàn UOB cho biết: “Việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở một trong những khu vực đa dạng nhất của thế giới không phải là điều đơn giản. Do đó, để tăng cơ hội thành công, đối với các công ty FinTech, việc tìm đối tác phù hợp để bổ sung kinh nghiệm, hiểu biết và kết nối cần thiết để điều hướng sự khác biệt khung pháp lý và bối cảnh hoạt động trong toàn khu vực ASEAN là rất quan trọng".
Khối các doanh nghiệp là phân khúc khách hàng mục tiêu chính của các công ty FinTech (79%). Trong số các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính chiếm một nửa (50%) phân khúc mục tiêu, theo sau là doanh nghiệp lớn (17%) và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (12%). Người tiêu dùng và doanh nghiệp khởi nghiệp tạo nên phần còn lại của phân khúc mục tiêu (21%).
Báo cáo cũng cho thấy, các công ty FinTech trong ASEAN nói chung rất lạc quan về nhu cầu cấp vốn hiện tại và tương lai của họ, với gần một nửa trong số đó được khảo sát tự tin quyên góp được hơn 10 triệu USD trong vòng cấp vốn tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhân sự tài năng vẫn là một thách thức, với 58% các công ty FinTech được khảo sát chỉ ra rằng đây là một trở ngại cho kế hoạch mở rộng khu vực của họ.
Để thực hiện báo cáo, có tổng cộng 139 công ty TechFins hoạt động tại khu vực ASEAN được phỏng vấn quan điểm về năm lĩnh vực: tìm kiếm khách hàng, chính sách, vận hành, cạnh tranh và đầu tư. Nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn 20 lãnh đạo có ảnh hưởng trong lĩnh vực FinTech về kinh nghiệm của họ đối với những thách thức gặp phải khi phát triển FinTech tại ASEAN.