Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty XNK thủy sản Cửu Long An Giang. (Ảnh: TTXVN).

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty XNK thủy sản Cửu Long An Giang. (Ảnh: TTXVN).

Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá da trơn sang Hoa Kỳ

Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) đang sửa đổi các quy định kiểm tra cá Siluriformes của mình để đưa Việt Nam là quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes vào Hoa Kỳ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngày 5/11/2019, Văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ (Federal Register) đã chính thức công bố văn bản Luật từ Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về việc công nhận Việt Nam là quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes (cá da trơn; trong đó có cá tra) sang Hoa Kỳ.

FSIS kết luận rằng hệ thống kiểm tra cá Siluriformes của Việt Nam tương đương với hệ thống kiểm tra của Hoa Kỳ.

FSIS đang sửa đổi các quy định kiểm tra cá Siluriformes của mình để đưa Việt Nam là quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes vào Hoa Kỳ.

Theo Luật này, các quốc gia đủ điều kiện để xuất khẩu cá Siluriformes sang Hoa Kỳ thì các sản phẩm của nước xuất khẩu phải tuân thủ tất cả các yêu cầu áp dụng khác của thị trường này.

Cụ thể, sản phẩm cá Siluriformes xuất khẩu từ Việt Nam, ngoài việc được cơ quan thẩm quyền Việt Nam chứng nhận đủ điều kiện, sản phẩm nhập khẩu sẽ tiếp tục được FSIS kiểm tra lại tại các điểm nhập cảnh của Mỹ: tình trạng nguyên vẹn của container, sản phẩm, đảm bảo không có hư hại trong quá trình vận chuyển, ghi nhãn, giấy chứng nhận phù hợp...

Ngoài ra, FSIS sẽ tiếp tục tiến hành lấy mẫu để phân tích trong phòng thí nghiệm nhằm phát hiện dư lượng thuốc, hóa chất hay mầm bệnh có trong sản phẩm hay không.

Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được đóng dấu và được phép vào thị trường Hoa Kỳ.

Các sản phẩm vi phạm các yêu cầu của Mỹ sẽ bị từ chối nhập cảnh, trong vòng 45 phải quay lại nơi nhập khẩu và tiến hành tiêu hủy hoặc các biện pháp khác theo quy định.

Theo FSIS, trong 5 năm (từ 2014-2018), 91,2% tổng lượng cá da trơn Siluriformes nhập khẩu vào Mỹ là từ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ là kết quả tích cực, ghi nhận những nỗ lực sau hơn 3 năm hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi hiệu quả của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với những tín hiệu từ thị trường, nhu cầu sản phẩm thủy sản cuối năm tăng cao cùng với quyết định công nhận nói trên của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là thời cơ cho ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu.

Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay, Ấn Độ và các nước nuôi tôm đã hết vụ sản xuất tôm chính; nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản tăng; các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc có nhu cầu tăng vào cuối năm; giá tôm, cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại do các nhà máy chế biến tăng thu mua.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp đánh giá, việc Hoa Kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành cá tra bền vững trong thời gian tới.

Điều này không chỉ tác động đến xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà còn sang các thị trường khác. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, qua đây cũng khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ sang Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ được bổ sung thêm doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ (hiện có 13 doanh nghiệp) và quan trọng hơn là tạo niền tin cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, giúp gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019.

Việc đáp ứng yêu cầu trên sẽ góp phần chuyển biến mạnh mẽ ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng; đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.

Trước đó, theo Đạo luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill 2014) được cụ thể hóa bằng Chương trình thanh tra cá da trơn (bộ Siluriformes) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ban hành tháng 3/2016, để tiếp tục xuất khẩu cá da trơn (chủ yếu là cá tra) vào Hoa Kỳ, Việt Nam phải xây dựng và tổ chức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm tương đương với Hoa Kỳ về 3 nhóm tiêu chí gồm: Hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; Năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền; Điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ.

Tháng 5/2018, Đoàn thanh tra của FSIS thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã sang Việt Nam đánh giá thực địa và ghi nhận việc thực thi hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các quy định của Hoa Kỳ.

Tháng 9/2018, FSIS đã công bố dự thảo công nhận Hệ thống của Việt Nam để xin ý kiến công chúng. Kết quả ý kiến ủng hộ của công chúng đối với Việt Nam đạt mức 80%.

Đến ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Tin bài liên quan