LG đang có kế hoạch chi tiếp 300 triệu USD để mở rộng Nhà máy LG Display và rất có thể, sẽ sản xuất iPad, Apple Watch tại Việt Nam
“Ông lớn” chọn Việt Nam
Không chỉ Samsung, với kế hoạch đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay và 2 tỷ USD trong số đó đã được hiện thực hóa, mà lần lượt Foxconn, Luxshare, Goertek, rồi Intel, LG… đều đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam.
Năm ngoái, LG hai lần tăng vốn ở Nhà máy LG Display. Foxconn sau khi đầu tư thêm 270 triệu USD, đang có kế hoạch chi tiếp ngân khoản 300 triệu USD để mở rộng nhà máy và rất có thể, sẽ sản xuất iPad, Apple Watch tại Việt Nam. Goertek cho đến nay đã nhanh chóng nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD.
Trong một báo cáo gần đây gửi các nhà đầu tư, JP Morgan đã nhấn mạnh, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử. Cũng chính công ty này dự báo, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.
Nhận định về xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài “nhảy” vào Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn hàng đầu về công nghệ, như Intel, Samsung hay LG…, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, đó là “xu hướng tích cực”.
“Điều này cho thấy, không chỉ nhà đầu tư đã đầu tư có đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam, mà cả các nhà đầu tư tiềm năng cũng đánh giá cao tính ổn định của chúng ta. Việt Nam sắp tới không chỉ thu hút vốn đầu tư vào các ngành truyền thống, mà còn vào những ngành ‘hot’ trên thế giới như sản xuất chip công nghệ. Cơ hội sẽ mở ra để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Trong khi đó, ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á cho rằng, một trong những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện tại là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao. Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất đang được thúc đẩy bởi chính sách Trung Quốc + 1.
Đúng là Việt Nam đã và đang được hưởng lợi. Và đó là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ, điện tử đầu tư vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những “cứ điểm” sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn năm 2016 - 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,8%/năm. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, con số ước tính đã lên tới gần 90 tỷ USD, chiếm hơn 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam không chỉ thu hút vốn nước ngoài vào những ngành truyền thống, mà tới đây sẽ còn thu hút đầu tư vào những ngành “hot” trên thế giới. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Thanh Huyền |
Kéo doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ điện tử là rất tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), 90% sản lượng của ngành này đang thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong cuộc hội thảo mới đây về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có nhiều cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư và tái cơ cấu chuỗi giá trị trong thời gian tới. Và vì thế, các doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội tham gia sâu rộng chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên thực tế, đây cũng chính là kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, được ban hành. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng. Khá nhiều doanh nghiệp Việt đã được hưởng các cơ chế ưu đãi này. Tuy vậy, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa thực sự phát triển. Chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp FDI.
Tại Việt Nam, Samsung có thể nói là một trong những doanh nghiệp rất tích cực trong hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của mình. Từ năm 2015, Samsung Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công thương triển khai các chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ vậy, sau nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, Samsung đã gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1, từ 4 doanh nghiệp năm 2015 lên 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, còn có 203 doanh nghiệp cấp 2.
Mới đây, Samsung tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nhà máy thông minh, với mục tiêu trong 2 năm 2022-2023 là hỗ trợ được 50 doanh nghiệp. “Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.
Nhưng một mình Samsung sẽ không thể “kéo” cả ngành công nghiệp hỗ trợ, chí ít là trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, lên được. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng như Samsung, cũng như sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Mỗi doanh nghiệp đầu chuỗi đều đưa ra các bộ tiêu chí riêng và thường rất gắt gao trong lựa chọn nhà cung ứng. Chỉ cần đáp ứng được các tiêu chí đó, doanh nghiệp sẽ được lựa chọn”, bà Hương nói, nhưng cũng thừa nhận những điểm yếu của doanh nghiệp Việt, bao gồm năng lực công nghệ, tài chính, khả năng đáp ứng đơn hàng lớn…
Và vì thế, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu là không đơn giản. Tuy nhiên, tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI, đón đầu một cách hiệu quả xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu là con đường mà Việt Nam phải đi.
Một báo cáo gần đây được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho biết, mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn đang là hạn chế lớn nhất trong thu hút và sử dụng vốn FDI. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân chỉ ở mức 20-25%, trong đó dệt may, da giày ở mức 40-45%; điện tử gia dụng 30-35%; lắp ráp ô tô cá nhân chỉ 7-10%.