Ngành dệt may đi đầu trong chuẩn bị cho TPP

Ngành dệt may đi đầu trong chuẩn bị cho TPP

Việt Nam đang đi trước các nước về mức độ tự do hóa thương mại

(ĐTCK) Dù tiến trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) của Việt Nam có hoàn tất trong năm 2015 hay không thì theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp vẫn nên chuẩn bị sẵn tâm thế và các điều kiện để bước vào “cuộc chơi” này.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Việt Nam với AEC/TPP: Xu hướng đầu tư và cơ hội cho ngành xây dựng” do Công ty NS Bluescope tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp không cần quá quan tâm đến thời điểm các hiệp định thương mại được ký kết, mà cần tự hỏi mình đã chuẩn bị được những gì để sẵn sàng đón nhận cơ hội mà những hiệp định này mang lại.

Theo bà Lan, 90% các dòng thuế sẽ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, điều này tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu của TPP cũng rất cao. Nếu như WTO chỉ đòi hỏi khối này phải thực hiện 3 cam kết thì TPP có nhiều cam kết hơn, điều chỉnh cả những nội dung không mang tính thương mại như quyền của người lao động, yêu cầu minh bạch cao và cơ chế xử phạt cũng nặng hơn… Khi tham gia vào “sân chơi” TPP, không chỉ doanh nghiệp phải thay đổi và hoàn thiện, mà Chính phủ cũng phải nỗ lực minh bạch hóa các quy trình.

“Cơ chế khiếu kiện của TPP rất phức tạp. Không chỉ nhà đầu tư có thể kiện Chính phủ, mà Chính phủ các nước trong khối TPP cũng có thể kiện lẫn nhau. Khiếu kiện và giải quyết khiếu kiện sẽ nổi lên như một cụm vấn đề mới khi tham gia TPP”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong các cuộc chơi này, trừ Singapore, Việt Nam đang đi trước các nước trong khu vực về mức độ tự do hóa thương mại. Nếu cải cách được môi trường kinh doanh trong nước thì độ hấp dẫn rất cao. Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, với sân chơi này, thương mại sẽ gắn với các luật lệ sau biên giới và hàng rào kỹ thuật (cả doanh nghiệp và nhà nước đều phải hiểu được hàng rào kỹ thuật này để bảo vệ mình và tránh được bảo hộ của đối phương). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý, ngoài hàng rào kỹ thuật, còn có hàng rào xanh về môi trường. “Có thể sẽ có những công trình dự án lớn sẽ bị bác bỏ nếu không phù hợp với môi trường…”, ông Thành nhận định.

Chia sẻ về cơ hội của từng ngành nghề, ông Thành cho biết, lĩnh vực xây lắp của Việt Nam có lợi thế, nhưng ngành thép lại bất lợi, nhất là khi mở cửa với Nga. Dịch vụ thiết kế cao cấp Việt Nam khó cạnh tranh với thiết kế nước ngoài, nhưng Việt Nam lại có lợi thế về nội thất.

Theo bà Phạm Chi Lan, nhiều ngành hàng đã sớm “khởi động” để chuẩn bị đón nhận cơ hội từ TPP đem đến. Chẳng hạn như ngành dệt may, các doanh nghiệp này không ngồi chờ Hiệp định được ký kết, mà cách đây 2-3 năm, các dự án đầu tư vào ngành này đã rất nhộn nhịp. Riêng ở tỉnh Bình Dương, có những thời điểm, có đến 200 dự án dệt may xin cấp phép đầu tư. “Sự phát triển của ngành dệt may không chỉ tạo cơ hội cho sự tăng trưởng của riêng ngành này, mà sẽ kéo theo cơ hội phát triển cho các ngành khác như xây dựng, xử lý nước thải…”, bà Lan nhìn nhận.

“Tuy nhiên, sự chuẩn bị của doanh nghiệp dù sao cũng chỉ là tương đối, vì chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi rất nhanh chóng. Chính vì thế, doanh nghiệp luôn cần cập nhật thông tin, những chuyển động của bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế, để đáp ứng được yêu cầu mới”, bà Lan nói.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam cho rằng, TPP là cơ hội tốt để các ngành công nghiệp ở Việt Nam phát triển, xuất khẩu sang một số thị trường mới và những thị trường cũ trước đây có một số rào cản về thuế quan. Những ngành sắp tới sẽ phát triển mạnh nhất là ngành dệt may, nông nghiệp và cũng có thể là hàng điện tử.

 “Khi hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, tất nhiên sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu đứng về góc độ thép mạ, thì Việt Nam là một trong những nước có tiềm lực khá mạnh so với khu vực. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước có thể xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á”, ông Nhựt kỳ vọng.

Tin bài liên quan