Bà Era Dabla-Norris, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng đoàn Điều IV cho Việt Nam (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) trao đổi về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam với những động lực mới.
Các chuyên gia của IMF dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Thưa bà, đâu là động lực chính để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong năm tới?
Bà Era Dabla-Norris, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương. |
Dự báo trên được đưa ra chủ yếu dựa trên đà tăng trưởng của hoạt động kinh tế nhờ việc tái mở cửa sau làn sóng Covid-19 vào nửa cuối năm 2021. Các giả định chính ở đây bao gồm hiệu quả của vắc-xin tiếp tục được duy trì, gián đoạn chuỗi cung ứng được cải thiện và hoạt động kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường trong năm 2022 và tăng tốc vào năm 2023.
Phần lớn gói kích thích tài khóa trong khuôn khổ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phần đầu tư công với quy mô lớn, dự kiến được triển khai mạnh vào năm 2023 và sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động kinh tế trong năm tới.
Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng, số liệu về hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý II/2022 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn và sớm hơn so với dự đoán ở cả kinh tế trong nước và đối ngoại. Do đó, chúng tôi đang trong quá trình cập nhật dự báo cho cả năm. Chúng tôi cũng nhận thấy những rủi ro tiêu cực lớn hơn cho năm 2023 - chủ yếu phản ánh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trên thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ, Trung Quốc và EU.
Căng thẳng địa chính trị và xung đột Nga - Ukraine đã tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Theo bà, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi kim ngạch xuất nhập khẩu hiện đã lớn gấp đôi quy mô GDP?
Mối liên kết trực tiếp giữa Việt Nam với Nga và Ukraine đều ở mức độ hạn chế. Tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tế Việt Nam chủ yếu mang tính gián tiếp, thông qua giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá dầu cao hơn và giảm lực cầu từ các đối tác thương mại chính ở châu Âu.
Nhìn chung, căng thẳng địa chính trị dẫn đến việc định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu, có thể có tác động theo hai chiều ngược nhau đối với Việt Nam. Một mặt, Việt Nam đã, đang được hưởng lợi phần nào từ việc chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc, làm tăng tỷ trọng thương mại toàn cầu mà Việt Nam thu hút được. Mặt khác, nếu căng thẳng địa chính trị làm cho sản xuất được chuyển lại về nước gốc của công ty, thì cả chiếc bánh thương mại quốc tế sẽ thu hẹp và miếng bánh của Việt Nam sẽ nhỏ đi.
Gói kích thích tiền tệ và tài khoá trị giá 15 tỷ USD của Việt Nam đang được sử dụng để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình này quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế? Bà đánh giá thế nào về kết quả của Chương trình nếu được thực hiện hiệu quả?
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trong hai năm 2022-2023, bao gồm một loạt chính sách tài khóa, từ các biện pháp ngắn hạn như giảm thuế tạm thời, trợ cấp lãi suất và hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp và hộ gia đình cho đến các chính sách dài hạn hơn, như chi tiêu cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng thực tế và hạ tầng kỹ thuật số. Đây là gói kích thích phù hợp để củng cố đà phục hồi sau cú sốc kinh tế lớn vào nửa cuối năm 2021.
Nếu được triển khai hiệu quả, Chương trình sẽ thúc đẩy đầu tư hạ tầng và tạo đà cho các cải cách trong các lĩnh vực thuộc phạm vi Chương trình như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tài chính toàn diện, môi trường kinh doanh, giáo dục và thị trường lao động. Những cải cách này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế “vết sẹo kinh tế” - bù đắp một phần cho việc tích lũy vốn đã bị giảm đà trong đại dịch và có thể thúc đẩy năng suất lao động.
Theo bà, liệu việc thực hiện gói kích thích này có góp phần đẩy lạm phát của Việt Nam gia tăng, đe dọa mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm 2022 của Chính phủ hay không?
Mặc dù các số liệu gần đây cho thấy, các hoạt động kinh tế đang mạnh và tăng lên, nhưng một số khu vực của nền kinh tế vẫn còn trầm lắng, đặc biệt là các ngành dịch vụ. Hơn nữa, thị trường lao động đang phục hồi, song tỷ lệ thất nghiệp vẫn lớn hơn mức trước đại dịch và tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức tương đối cao.
Do đó, chúng tôi không cho rằng, gói kích thích sẽ là động lực chính của lạm phát trong năm 2022, mà áp lực tăng giá phần lớn đến từ lạm phát hàng hóa nhập khẩu dẫn đến giá nhiên liệu, giao thông - vận tải và một số đầu vào sản xuất trong nước cao hơn.
Bà đánh giá thế nào về chương trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam? Ưu tiên lớn nhất trong chương trình tái cấu trúc kinh tế của Chính phủ Việt Nam nên là gì?
Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong việc đẩy mạnh chương trình cải cách một cách quyết liệt. Tuy nhiên, những nỗ lực này cần sự nâng cấp để đạt đúng những khát vọng của Chính phủ về tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm. Một trong những thách thức lớn nhất kìm hãm năng suất và cản trở việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả là sự khác biệt kinh tế phổ biến giữa các doanh nghiệp, các ngành và người lao động.
Để giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi phải cải cách cơ cấu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng. Trong đó, có các chính sách đảm bảo một sân chơi bình đẳng, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chuyển sang khu vực chính thức, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến doanh nghiệp trong nước và giảm bớt sự chênh lệch về kỹ năng lao động với yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, cải thiện thể chế kinh tế, giảm tham nhũng, thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và xanh hóa nền kinh tế là những lĩnh vực cải cách quan trọng khác mà Việt Nam cần thực hiện để đạt được những hoài bão kinh tế của mình trong thời gian tới. Triển vọng tăng trưởng trung hạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện cải cách một cách quyết liệt.