Thưa Bộ trưởng, cách đây đúng 1 năm, khi chia sẻ cảm xúc trước thềm năm 2018, ông đã từng nói, chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang bắt đầu một nhịp tăng trưởng mới, mà ở đó, chúng ta đang ở vị trí tốt. Vào thời điểm này, ông sẽ nói gì về năm 2019?
Mọi việc, mọi kế hoạch chúng ta đều có thể làm được nếu xác định rõ mục tiêu, quyết liệt hành động và thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp mà chúng ta đã xác định, nếu chúng ta thay đổi tư duy, tầm nhìn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Cá nhân tôi tin là nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm này hoàn toàn đủ sức vượt lên, tiến về phía trước, không chỉ là thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm nay, mà cả những năm sau, dù không thể nói là không có khó khăn, thách thức.
Điều gì làm nên niềm tin này, thưa Bộ trưởng?
Chúng ta cùng nhìn vào kinh tế Việt Nam năm 2018, một bức tranh sáng sủa, tràn đầy năng lượng tích cực.
Một năm thiên tai, mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng nhiều tới sản xuất và sinh hoạt của người dân; một năm giá cả thế giới, một số nông sản chủ lực của Việt Nam suy giảm, cạnh tranh thế giới gay gắt, xu hướng bảo hộ… tăng cao, nhưng khu vực nông, lâm, thủy sản đã đạt kết quả rất ấn tượng, tăng 3,76% - tốc độ tăng cao nhất giai đoạn 2012-2018. Đó là kết quả của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cũng là nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ được vai trò động lực chính, đóng góp cho tăng trưởng với mức tăng 12,98%. Ngành dịch vụ tăng trưởng khá, góp phần đưa mức tăng khu vực dịch vụ lên 7,03%...
Có thể nói, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đến từ sự tăng trưởng đồng đều, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực và điều này tạo nên những thành tựu nổi bật của kinh tế năm 2018.
Xuất khẩu trở thành điểm sáng, đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8%, gần gấp 2 lần chỉ tiêu Quốc hội giao. Xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay, đạt 7,2 tỷ USD. Du lịch đánh dấu kỷ lục hơn 15,5 triệu lượt khách quốc tế…
Đặc biệt, môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, tạo niềm tin cho giới kinh doanh, tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong nước chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, cùng với 19 tỷ USD giải ngân vốn FDI năm 2018, đang tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
Và kết quả là tốc độ tăng trưởng GDP đã ghi nhận mức cao nhất trong vòng 11 năm qua, thưa Bộ trưởng?
Thậm chí, với tốc độ tăng trưởng GDP 7,08% của năm 2018, lần đầu tiên, chúng ta vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc, đang được dự báo là 6,6%; vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.
Những thành tựu này của năm 2018 thực sự có ý nghĩa, chứng tỏ khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, nhất là với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, đứng thứ 5 thế giới, trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường.
Có thể nhìn vào tốc độ tăng trưởng của các quý năm 2018 không như tính toán và dự báo ban đầu để thấy rõ hơn khả năng chống chịu này. Kịch bản tăng trưởng được xây dựng căn cứ vào tình hình thực tế về năng lực sản xuất của nền kinh tế và xu thế tăng trưởng. Nhưng thực tế, kết quả của năm 2018 đã vượt trên các tính toán.
Có được kết quả tích cực này là do các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống và thu được kết quả tích cực. Như cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho xã hội. Đặc biệt, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, thông qua kiểm tra đôn đốc thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Quan trọng là, tốc độ tăng trưởng cao đã đạt được cùng với lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, kéo theo sự khởi sắc trong các lĩnh vực xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm. GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2016 - 2020, nhờ vậy có thể đạt 6,5% - tạo nền tảng cho phát triển của nền kinh tế giai đoạn tới theo hướng duy trì tốc độ tăng tưởng cao, liên tục trong một thời gian dài.
Như Bộ trưởng đã nói, chúng ta đang bắt đầu một nhịp tăng trưởng mới. Đó là cơ hội của nền kinh tế Việt Nam năm 2019, thưa Bộ trưởng?
Đó là cơ hội, nhưng cũng là thách thức, vì chúng luôn tồn tại cùng một thời điểm, đan xen. Nhiều khi cơ hội không chỉ tự nhiên đến, mà do chính mình tạo ra. Thách thức cũng vậy, có thể là khó khăn của người này, quốc gia này, nhưng lại là cơ hội của người khác, quốc gia khác…
Quan điểm của tôi là, chúng ta thận trọng, không chủ quan, nhất là những rủi ro về thương mại, tài chính toàn cầu do chính sách bảo hộ của các nước, điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại thế giới của hai nền kinh tế lớn nhất này đang được dự báo có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực.
Nhưng, chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội của chính mình, đó là đà tăng trưởng tích cực của năm 2017 - 2018. Đó là cơ hội đang mở rộng từ công cuộc cải cách, đổi mới đang đi đúng hướng; những vấn đề nội tại đang dần được khắc phục; thể chế đang dần hoàn thiện; môi trường kinh doanh được cải thiện. Đó là cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang trong giai đoạn hoàn tất.
Chính phủ đã đặt yêu cầu bứt phá để tăng tốc, để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020; đồng thời tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2019, GDP cũng phải đạt mức tăng trưởng từ 6,8% trở lên, như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là năm 2019 phải tăng cao hơn năm 2018.
Chính phủ đã đặt yêu cầu bứt phá để tăng tốc. Theo Bộ trưởng, bứt phá nghĩa là gì?
Sẽ là bứt phá toàn diện, quyết liệt và thực chất. Bứt phá từ tất cả các ngành, các cấp, ở từng công trình, từng đề xuất, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Đó là bứt phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp gắn với cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, bộ máy tinh gọn, hiệu lực
Đó là bứt phá trong thực hiện 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đó là bứt phá trong tháo gỡ khó khăn, xây dựng chính sách hỗ trợ giải phóng nhanh sức phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Đó là bứt phá trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt của đời sống kinh tế…
Và đặc biệt, phải bứt phá trong khâu tổ chức thực hiện. Các kế hoạch, giải pháp của chúng ta đã có, đúng hướng, quan trọng là thực hiện. Chúng ta đang đi nhanh, nhưng vẫn còn rất chậm. Nhìn sang Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người của họ đã đạt 6.000 - 7.000 USD/năm và hơn thế.
Chúng ta cần xác định rõ là phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong một khoảng thời gian dài thì mới có thể đạt được mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế phát triển và trong khu vực.
Có thể nói là không thể dừng lại ở mục tiêu 6,8% tăng trưởng GDP trong năm 2019? Mục tiêu này thật sự thách thức, thưa Bộ trưởng?
Và cả những năm sau nữa. Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội và chúng ta phải tận dụng hết.
Để làm được, trong điều hành, nguyên tắc là thận trọng, lắng nghe các vấn đề của thế giới, nội tại của nền kinh tế, nhưng phải linh hoạt, để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, đảm bảo niềm tin thị trường, nhưng khi có cơ hội tăng tốc, thì phải tận dụng ngay.
Mục tiêu khó, nhưng phải làm, đòi hỏi chúng ta phải giải rất tốt các bài toán phát triển. Như bài toán cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát với phát triển và tăng trưởng; giữa mở cửa, hội nhập với sức chống chịu, tính thích ứng và tự chủ của nền kinh tế; giữa cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với sự chuẩn bị bên trong; giữa thu hút FDI với phát triển công nghệ và bảo vệ môi trường; giữa lao động dồi dào, trẻ với áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và già hóa dân số; giữa phát triển của các thành phố lớn, đầu tàu, động lực kinh tế, có đóng góp lớn cho nền kinh tế với các vùng và tắc nghẽn giao thông…
Không dễ giải các bài toán này một cách trọn vẹn. Manila đã đóng góp 30% cho kinh tế Philippines, nhưng tắc nghẽn giao thông lại lấy đi 8% của tăng trưởng… Nhưng tôi tin, chúng ta làm được bởi có sự đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp. Đó là sức mạnh của dân tộc để Việt Nam sẽ làm được nhiều điều thần kỳ hơn cả năm 2018.