Theo Báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam” của Chính phủ, Việt Nam đã đạt được một số kết quả chính trong thực hiện mục tiêu về đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy, có khả năng chi trả cho tất cả mọi người.
Cụ thể, Việt Nam có tỷ lệ dân số được tiếp cận nguồn điện khá cao nhờ nỗ lực trong cải cách lĩnh vực năng lượng, phát triển mạng lưới điện quốc gia và một số lưới điện trên đảo. Hiện nay, 100% các hộ gia đình đã được tiếp cận điện.
Theo Báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, năm 2019 tiếp tục ghi nhận cải thiện điểm số về Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp, với 88,2 điểm. Điều này góp phần đưa môi trường kinh doanh tăng 1,2 điểm.
Gần đây, Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Với tốc độ phát triển hệ thống điện năng hiện nay, đặc biệt là tiếp tục duy trì chính sách đầu tư hạ tầng điện theo Chương trình Cấp điện về nông thôn, miền núi và hải đảo, chính sách hỗ trợ khả năng chi trả tiền điện với các nhóm dân cư nghèo, đối tượng chính sách xã hội, thì Việt Nam có thể đạt mục tiêu đề ra về bảo đảm tiếp cận toàn dân đối với điện trong khả năng chi trả vào năm 2030.
Dù đã bước đầu thực hiện các chính sách hướng tới sử dụng năng lượng bền vững và hiệu quả, nhưng Việt Nam vẫn còn đi sau nhiều quốc gia khác về hiệu quả sử dụng năng lượng và khai thác năng lượng tái tạo không phải là thủy điện.
Về lý thuyết, Việt Nam có thể phát triển đến 9,1 triệu MW năng lượng tái tạo, trong đó, điện gió đạt gần 2,1 triệu MW. Song thực tế, phát triển điện gió còn rất hạn chế. Tổng công suất lắp đặt mới khoảng 228 MW (tính đến cuối năm 2018) - một con số khiêm tốn so với tiềm năng và so với các nước đang phát triển điện gió trên thế giới.
Với nguồn điện mặt trời, Việt Nam có thể khai thác 4-6 kwh/m2 tại nhiều địa phương. Việt Nam hiện có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia và 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến được đưa vào hoạt động cuối năm 2019.
Theo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện, việc huy động nguồn vốn cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại do thiếu luật về năng lượng tái tạo; cơ chế giá cho điện mặt trời và điện từ năng lượng tái tạo chưa khuyến khích nhà đầu tư; thiếu cơ chế linh hoạt để nhà đầu tư tham gia thị trường điện, nhất là tham gia khâu chuyển tải và phân phối.
Để đạt mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng bền vững cho mọi người, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư cho hạ tầng năng lượng với ưu tiên cho năng lượng tái tạo, Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống thể chế, chính sách theo hướng thúc đẩy hơn nữa sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững, đặc biệt là xây dựng và thực hiện định mức sử dụng năng lượng cho các ngành công nghiệp, thực hiện kiểm toán năng lượng với mọi đối tượng sử dụng năng lượng.