Quan điểm trên được ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Triển vọng Thị trường - Việt Nam, Hiện tại, Tương lai và Triển vọng mai sau” mới đây.
Theo ông Tim Evans, sau khi S&P nâng hạng Việt Nam, đầu tháng 9, Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2, Việt Nam hiện chỉ kém mức đầu tư một bậc. Fitch trước đó đã nâng hạng Việt Nam lên BB vào tháng 5/2018 và hiện tại Việt Nam đang xếp hạng BB về triển vọng tích cực.
Trong khi đó, chỉ số quản lý thu mua PMI - thước đo “sức khỏe” ngành sản xuất trong nền kinh tế - đạt 52,7 điểm trong tháng 8, chứng tỏ sự cải thiện vững vàng của khu vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh hiện đã được củng cố trong 11 tháng liên tiếp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.
“Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%. Trong quý II/2022, GDP của Việt Nam đạt 7,7%, mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua, nhờ sự phục hồi trên diện rộng, mở cửa hoàn toàn, nhu cầu trong nước hồi phục trở lại, sản xuất tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng lịch sử”, ông Tim Evans cho biết.
Động lực tạo nên mức tăng trưởng này, theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam, đó là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.
“Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này. Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng lên đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan”, ông Alain Cany nói.
Minh chứng là một loạt các dự án FDI tên tuổi được triển khai ở Việt Nam. LEGO, một thành viên EuroCham, đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Trong tương lai, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai ở châu Á của LEGO. Pegatron, nhà cung cấp của Apple, hiện có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, còn Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây...
Đáng chú ý, theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam cam kết đầy tham vọng sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, như Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết sách phát triển, một phần trong tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mỗi ngành nghề, doanh nghiệp và cá nhân.
“Mọi hành động phải lấy tự nhiên và con người làm cốt lõi để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải”, ông Tim Evans chia sẻ.
Dẫn lời triết gia người La Mã Seneca từng nói "may mắn sẽ xuất hiện khi sự chuẩn bị sẵn sàng và thời cơ gặp nhau", ông Tim Evans nhấn mạnh: “Việt Nam đã tự tạo ra “may mắn” cho mình để phục hồi vững chắc. Nền kinh tế lúc này đang có vị thế tốt để nắm bắt các khả năng”.
Ông Tim Evans cho biết đã từng thấy một bình luận trên LinkedIn, nói rằng: “Mỹ được cho là vùng đất của cơ hội, nhưng Việt Nam có những con người tạo ra cơ hội, chính con người mới tạo nên sự khác biệt. Tôi hoàn toàn đồng ý. Điều đó được chứng minh qua cách người Việt Nam thoát khỏi Covid-19 và cùng nhau xây dựng lại nền kinh tế, cũng như vượt qua mọi thăng trầm, vượt qua mọi thử thách trong suốt lịch sử lẫy lừng của họ".