Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ hiện đại và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả cụ thể đối với 4 lĩnh vực hạ tầng trọng tâm, bao gồm: Hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước; Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu; Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhất là ở các thành phố lớn.
Về nguồn lực đầu tư, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng tối đa các nguồn ngân sách nhà nước khả dụng, Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua mô hình PPP.
"Theo số liệu thống kê sơ bộ, những năm qua, Việt Nam đã triển khai được 147 dự án (không tính các dự án theo loại hợp đồng BT) với tổng mức đầu tư khoảng 1.144.152 tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD). Những dự án với nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân quan trọng này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”, Thứ trưởng Thắng nói.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như quản trị hạ tầng ở châu Á, ông Kunio Umeda, Đại sứ Đại sứ quản Nhật Bản tại Việt Nam nêu quan điểm của Chính phủ Nhật Bản: “Chúng ta biết rằng có một lượng lớn nguồn vốn đầu tư ở châu Á dành cho cơ sở hạ tầng và đó sẽ là nguồn vốn đầu tư rất quan trọng để phát triển kinh tế xã hội…
Thúc đẩy, tối đa hóa tính hiệu quả của các hoạt động đầu tư vào cơ sơ hạ tầng, chất lượng cao, được đảm bảo, như vậy, các cơ sở hạ tầng góp phần cải thiện hiệu quả nền kinh tế cũng như những lợi ích kinh tế giúp tăng cường chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân, đồng thời là khả năng chống chọi với những cú sốc về lâu dài”.
Ông Kunio Umeda, Đại sứ Đại sứ quản Nhật Bản tại Việt Nam
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đều có những tồn tại, hạn chế nhất định trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là về quản lý, huy động vốn, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; chất lượng, hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công chưa cao.
Thứ nhất là quy mô nền kinh tế không lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì mức đầu tư cao từ ngân sách nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Thứ hai là áp lực của trần nợ công tăng cao, đồng thời, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn vay nước ngoài dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm và sẽ phải vay vốn ưu đãi với mức lãi cao hơn.
Thêm vào đó, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một thách thức lớn đối với toàn nền kinh tế.
Cuối cùng là các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua mô hình đầu tư PPP vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân do nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính tham gia; năng lực thực hiện còn yếu; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh và còn thiếu các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; đi cùng là việc thực thi chưa đảm bảo yêu cầu về tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường.
Tại Hội thảo, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực và các chuyên gia của các tổ chức quốc tế chia sẻ những thông lệ, chuẩn mực quốc tế và bài học kinh nghiệm tốt của quốc gia về cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là quản trị và huy động vốn.
Đây là cơ hội rất tốt để các chuyên gia của các nước xem xét, đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp cận đổi mới thể chế quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển.
Được biết, tham dự hội thảo có các chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Myanma, Ấn Độ, Mông Cổ, Băng-la-đét, Maldives), các tổ chức quốc tế đa phương (Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Công ty PwC, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam (Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Nhật Bản).