Bản ghi nhớ giữa Singapore và Mỹ vừa được ký kết vào đầu tháng 4/2019 sẽ mở đường cho các đơn vị cơ sở hạ tầng của hai quốc gia làm việc cùng nhau để xúc tiến các dự án thuộc lĩnh vực tư nhân trong các lĩnh vực như năng lượng, nước, chất thải, giao thông và phát triển đô thị trong khu vực.
Bản ghi nhớ này được thực hiện sau một vài tuyên bố khác của Mỹ về tài trợ cơ sở hạ tầng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm hiệp định ba bên với Úc và Nhật Bản vào tháng 7/2018.
Cơ hội thương mại cho khu vực và Việt Nam
Thực tế, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ; và thương mại với ASEAN hỗ trợ hơn nửa triệu việc làm tại Mỹ; có khoảng 4.700 công ty của Mỹ đang hoạt động trong khu vực; và Đông Nam Á là điểm đến thu hút hàng đầu đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp của Mỹ tại châu Á.
Nhìn về phía trước, ASEAN mang đến cho Mỹ lựa chọn sản xuất chi phí thấp, cơ sở người tiêu dùng đang tăng trưởng mạnh và các mối liên kết đầu tư thương mại chặt chẽ. Việt Nam với tăng trưởng GDP ước đạt 6,5% năm 2019 và 2020, theo World Bank, là một trong các cơ hội triển vọng nhất.
Nhưng khu vực ASEAN không phải không có thách thức. Đối với những thông tin gần đây về sự chuyển dịch chuỗi cung ứng hướng về Đông Nam Á, khu vực này thực sự chưa thấy sự dịch chuyển đầu tư vốn theo cách rõ ràng nhất.
Nguyên nhân có thể do các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp từ Mỹ, do dự trong các cam kết đầu tư của mình nếu họ chưa tự tin rằng các đơn hàng sản xuất sẽ được đáp ứng và duy trì ổn định, và rằng khu vực Đông Nam Á cải thiện công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất và tăng cường hội nhập trong khu vực.
Nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực là nền tảng hỗ trợ tất cả những vấn đề này. Sự thiếu hụt hạ tầng của Đông Nam Á cũng như hạn chế về nguồn vốn được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận và ước tính rằng, việc phát triển châu Á sẽ cần khoảng 27.000 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới. ADB cho rằng, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng ít hơn một nửa nhu cầu vốn này.
Theo ADB, Việt Nam nằm trong số các thị trường châu Á có đầu tư nhiều nhất cho hạ tầng vào năm 2017. Đầu tư vào hạ tầng của khu vực công và tư trung bình khoảng 5,7% GDP trong những năm gần đây - mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng vẫn còn khoảng cách thiếu hụt trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chính phủ ước tính Việt Nam cần khoảng 48 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020 để phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, nhu cầu về năng lượng của quốc gia sẽ tăng 2,5 lần trong giai đoạn 2015 - 2035 dẫn đến nhu cầu về đầu tư là rất lớn.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất mong muốn ASEAN cải thiện cơ sở hạ tầng để khu vực này có thể trở thành lựa chọn sản xuất chi phí thấp. Mặc dù theo chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc, châu Âu, và Nhật Bản đang có các chương trình tương tự cho khu vực.
Để tăng cường nguồn vốn, Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Trong một hội nghị kinh tế diễn ra đầu năm nay, đại diện Chính phủ cho biết, Việt Nam sẽ tích cực tìm kiếm sự tham gia đầu tư từ khu vực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia.
Nhưng sẽ còn rất nhiều điều cần làm nếu ASEAN muốn thu hẹp khoảng cách nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng bằng tiềm năng của khu vực.
Việt Nam cần khoảng 48 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020 để phát triển hạ tầng. Ảnh: Shutterstock
Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để đón nhận dòng vốn đầu tư khi có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, lượng lớn người dùng trẻ, đồng tiền ổn định và lạm phát kiểm soát tốt. Môi trường đầu tư và kinh doanh cải thiện giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với tổng lượng vốn đạt 19,1 tỷ USD trong năm 2018, tăng 9% so với năm trước đó và đạt mức cao kỷ lục sáu năm liên tiếp.
Nhưng Việt Nam cần tiếp tục mang đến nhiều giá trị hơn nữa cho các nhà đầu tư bao gồm các nhà đầu tư đến từ Mỹ. Một trong những điều có thể làm là cung cấp một mô hình hoạt động phát triển sẵn cho các dự án chọn lọc khả thi và có thể hợp tác với ngân hàng.
Cơ sở hạ tầng châu Á (Infrastructure Asia), cơ quan tập trung vào các vấn đề cơ sở hạ tầng mới được thành lập nhằm hỗ trợ việc điều phối năng lực và chuyên môn của khu vực với nhu cầu của các dự án được hứa hẹn sẽ mang đến nhiều giá trị thực sự.
Một kênh khác nữa là Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN). Được triển khai vào năm 2018, ASCN được phát triển nhằm giải quyết các áp lực cơ sở hạ tầng sẽ diễn ra khi 90 triệu người dân được kỳ vọng dịch chuyển vào các khu vực thành thị của ASEAN từ nay đến năm 2030.
ASCN là nơi mỗi quốc gia trong khu vực chia sẻ những hình mẫu của Thành phố thông minh, kết nối các thành phố thành viên với đầu tư tư nhân và đảm bảo nguồn vốn từ các tổ chức tài chính đa quốc gia, bao gồm Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Mỹ có thể thực hiện các hoạt động đầu tư thông qua nền tảng này.
Thành phố thông minh là một khởi đầu khá tốt nhưng được triển khai thí điểm giới hạn tại 26 thành phố khu vực Đông Nam Á bao gồm Đà Nẵng, Hà Nội, và TP.HCM. Nhằm nâng cao hiệu quả, Việt Nam có thể đề ra các dự án khác cho các thành phố vệ tinh cũng như mở rộng sự tập trung ra ngoài phạm vi các dự án “thông minh” đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng bền vững nói chung.
Trên đây chỉ là ba ví dụ đề nghị, còn nhiều lĩnh vực khác liên quan phát triển cơ sở hạ tầng mà Việt Nam có thể giữ vai trò dẫn đầu trong khu vực bao gồm phát triển thị trường vốn trong nước, huy động các tổ chức từ Mỹ tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng; và phát triển thị trường tài trợ xanh.
Việt Nam và Mỹ đang phát triển mối quan hệ tốt đẹp trong vài thập kỷ qua và việc có cùng chung một mục đích sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ này. Phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, và vai trò của hai quốc gia trong vấn đề này có thể là mục đích chung đó. Xây dựng mối quan hệ hợp tác này là một khởi đầu khả quan nhưng hàn thử biểu cho sự thành công cuối cùng sẽ dựa trên các dự án thực tế được đưa vào đời sống. Và đây là lĩnh vực cần nhiều rất nỗ lực. Để thành công, Việt Nam sẽ cần tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các dự án đầu tư.