10 năm qua, có trên 110 tỷ USD vốn đầu tư chảy vào khu vực các nền kinh tế mới nổi, tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, NĐT có xu hướng rút ròng. Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2014, các NĐT đã rút hơn 12 tỷ USD. Phải chăng, các nền kinh tế mới nổi đã mất sức hấp dẫn và đâu là nguyên nhân, theo ông?
Thứ nhất, những năm vừa qua, dòng vốn “rẻ” với danh nghĩa là các gói nới lỏng định lượng (QE) được Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục bơm vào thị trường nhằm vực dậy nền kinh tế. Dòng tiền đầu tư này không chỉ “chảy” mạnh tại Mỹ mà còn lan tỏa sang các thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận. Khi FED tuyên bố thu hẹp dần quy mô gói nới lỏng định lượng QE3 cộng với kỳ vọng lãi suất sẽ tăng tại Mỹ, chính là yếu tố khiến dòng vốn ồ ạt rút ra khỏi các thị trường mới nổi để quay trở lại thị trường Mỹ. Ngoài ra, sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế khác như Anh hay sự ổn định tương đối của khu vực kinh tế châu Âu đã khôi phục lòng tin ở thị trường các nước phát triển, góp phần “đảo ngược” dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Thứ hai, sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đã khiến các NĐT trở nên dè dặt hơn trong quyết định đầu tư vào các thị trường này. Tăng trưởng “nóng” đã thúc đẩy sự bùng nổ của giá cả và khiến các nhà hoạch định chính sách “say sưa” với chiến lược tăng trưởng mà quên mất những vấn đề còn tồn tại trong chính cơ cấu nền kinh tế, khiến các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với những yếu kém về mặt cơ cấu như lạm phát cao và thâm hụt ngân sách lớn.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển tuy giảm so với thời kỳ bùng nổ 2003 - 2007, nhưng đây không phải là điều đáng lo ngại. Mức khác biệt đó thể hiện sự giảm nhiệt quá trình tăng trưởng nóng và không bền vững thời kỳ trước khủng hoảng, chứ không liên quan đến sụt giảm tiềm năng tăng trưởng tại các nước đang phát triển. Do vậy, nền kinh tế cần có giai đoạn giảm tốc để tự nhìn nhận, phát hiện và xử lý các rủi ro, đánh giá lại hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và tiến hành những cải cách cần thiết, nhằm đưa nền kinh tế lên một nấc thang giá trị cao hơn.
Thứ ba, công thức tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu cũng như dòng vốn từ bên ngoài đã làm cho nhiều nền kinh tế mới nổi trở nên bất ổn và dễ bị tác động. Nhiều quốc gia bị thâm hụt tài khoản vãng lai lớn cùng với các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro cao.
Thứ tư, những bất ổn về chính trị cũng khiến dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch đến những thị trường an toàn hơn.
Chính vì vậy, các quốc gia này cần hướng tới những vấn đề sâu xa hơn để cải cách cơ cấu và hướng tới nền kinh tế thịnh vượng bền vững, có vùng đệm chính sách hợp lý… để giành được niềm tin của các NĐT.
Đối với Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ đã chủ động tìm điểm cân bằng phù hợp giữa sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, trong khi vẫn duy trì được sự ổn định chính trị và kinh tế. Kinh nghiệm và các phản ứng chính sách của Việt Nam được áp dụng gần đây để ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý hệ thống tài chính đã thể hiện mục tiêu đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Việt Nam đã không ngừng cải cách chính sách để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng cải cách thể chế, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang tiếp tục cải cách để tạo niềm tin cho các NĐT và thị trường, qua đó kích hoạt tăng trưởng đầu tư.
MB được đánh giá là ngân hàng “lội ngược dòng” khi đi xuyên qua 2 cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vẫn tăng trưởng ổn định ở mức cao. Nhiều nhà kinh tế dự báo, có thể nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai gần. Nếu dự báo này trở thành sự thật, MB có kịch bản nào để tiếp tục vượt lên, thưa ông?
Trong những năm gần đây, thách thức của thị trường ngày càng lớn, biểu đồ biến thiên của thị trường diễn biến phức tạp, độ dày của các khủng hoảng ngày càng tăng lên. Để tồn tại phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự thay đổi, thích ứng nhanh. Với phương châm “Thay đổi để dẫn đầu”, “Tăng trưởng bền vững”, từ đầu năm 2010 MB đã hoạch định chiến lược mới cho giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, tạo nền tảng về quản trị điều hành và phương thức kinh doanh mới giúp MB đứng vững và vươn lên trong mọi hoàn cảnh của nền kinh tế.
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 với 2 nền tảng, 3 trụ cột, trong đó tập trung xây dựng 2 năng lực cốt lõi trong kinh doanh, triển khai đồng bộ 5 mục tiêu (5C): Chiến lược, Con người, Chất lượng, Công nghệ, Chính trị. Đây là nền tảng tạo nên sức mạnh bền vững, làm thay đổi và cải tiến toàn diện mọi mặt hoạt động của MB, trong đó đặc biệt chú trọng đến nền tảng quản trị rủi ro và chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố trung tâm, tiên quyết cho sự phát triển của MB. Thực tiễn hoạt động của MB thời gian qua cho thấy, chiến lược mà MB đang triển khai là đúng hướng.
Trong công tác điều hành, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Với bản lĩnh, kinh nghiệm được tôi luyện qua những thời kỳ khó khăn của nền kinh tế, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt và một cơ cấu cổ đông vững mạnh, thống nhất, MB sẵn sàng đối diện và kinh doanh trong khủng hoảng, biến thách thức thành cơ hội để khẳng định mình.
Giai đoạn 5 năm tới (2014 - 2019), MB hướng đến mục tiêu đứng vững chắc trong TOP 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, với định vị là một ngân hàng thuận tiện, trên cơ sở mô hình hoạt động là một tập đoàn tài chính đa năng, với trung tâm là hoạt động ngân hàng thương mại, kết hợp với phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính, đầu tư thuộc các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản, quản lý quỹ… MB phấn đấu đến năm 2018 nâng tổng tài sản riêng Ngân hàng lên 320.000 tỷ đồng, hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt tối thiểu 5.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hàng năm duy trì ở mức < 3%. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến cao hơn lãi suất huy động tiền gửi bình quân của MB khoảng 30%. Chúng tôi tự tin MB sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Định hướng tìm NĐT chiến lược nước ngoài một lần nữa được HĐQT MB nhấn mạnh tại ĐHCĐ 2014 mới đây. Trong bối cảnh hiện nay, những tiêu chí chính MB đặt ra để tìm kiếm và lựa chọn NĐT chiến lược là gì?
Việc tìm kiếm, lựa chọn NĐT chiến lược nước ngoài là chủ trương được MB xác định và triển khai trong những năm gần đây. MB mong muốn thông qua đối tác tăng năng lực tài chính ngân hàng, tiếp cận kinh nghiệm quản trị ngân hàng tiên tiến, công nghệ hiện đại, phương thức cạnh tranh giành ưu thế trên thị trường mới nổi như Việt Nam. Bên cạnh đó, mạng lưới của đối tác chiến lược nước ngoài sẽ giúp thương hiệu và mạng lưới hoạt động của MB vươn ra những thị trường mới.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, MB đặt ra một số tiêu chí lựa chọn như ưu tiên các đối tác có uy tín lớn trên thị trường quốc tế, hoạt động hiệu quả, năng lực tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị tập đoàn quy mô lớn, đặc biệt có thiện chí hợp tác đầu tư vào Việt Nam, có cam kết hợp tác lâu dài nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của Ngân hàng.