60% DN có lãi
JETRO đã tiến hành khảo sát với 9.371 DN Nhật Bản đầu tư vào 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, tại Việt Nam có 435 DN trả lời hợp lệ trong tổng số 585 DN được hỏi. Kết quả khảo sát cho thấy, 59,9% DN được hỏi trả lời có lãi trong năm 2013, không khác biệt nhiều so với năm 2012 (60,2%) và với các nước trong khu vực.
Về triển vọng hoạt động, kết quả khảo sát cho thấy, 70% DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là “cứ điểm” quan trọng. Tỷ lệ này cao hơn so với Trung Quốc (54,2%); Thái Lan (66,2%); Malaysia (51,6%)… và một trong các lý do được đưa ra là khả năng tăng doanh thu (chiếm đến 90,5%). Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực phi sản xuất, 65,5% trả lời rằng, họ kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng cũng như tiềm năng của Việt Nam.
“Quá nửa DN trả lời đánh giá cao quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng và tình hình chính trị - xã hội ổn định của Việt Nam. Đặc biệt, đối với hạng mục dễ tuyển dụng lao động, Việt Nam đứng thứ 4 trong 15 quốc gia được khảo sát, với 33,3% số phiếu tán đồng”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết.
Tính đến ngày 15/12/2013, tổng số vốn đầu tư tiếp nhận của Việt Nam trong năm 2013 đạt 21,628 tỷ USD, trong đó, riêng Nhật Bản đạt 5,748 tỷ USD (bao gồm cả đầu tư mới và đầu tư mở rộng) và là nước đứng đầu về số vốn đầu tư mở rộng với 4,452 tỷ USD. Đặc biệt, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật, năm 2013, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào nhóm ASEAN 6 đều tăng, trong khi đầu tư vào Trung Quốc giảm mạnh, từ mức 13,479 tỷ USD năm 2012 xuống 6,497 triệu USD, mở ra cơ hội lớn cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Top 5 rủi ro đầu tư
Mặc dù cho rằng Việt Nam là một “cứ điểm” quan trọng để đầu tư, nhưng nhiều DN Nhật Bản cũng tỏ ra quan ngại về những rủi ro liên quan đến môi trường đầu tư như chi phí nhân công tăng; thủ tục hành chính phức tạp; chính sách chưa minh bạch; chế độ thuế, thủ tục thuế quan phức tạp; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch.
“Có hơn một nửa số DN Nhật Bản tại Việt Nam quan ngại về những yếu tố trên”, ông Atsusuke Kawada nói.
Cụ thể, 66,6% DN Nhật Bản ở Việt Nam được hỏi trả lời rằng, họ lo lắng khi chi phí nhân công tăng vọt. Trong khi đó, 66,1% cho rằng, thủ tục hành chính còn phức tạp; 55,6% quan ngại chính sách chưa minh bạch; 65% nhận định thủ tục thuế quan phức tạp; 67,5% băn khoăn hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch. Tỷ lệ này đều cao hơn nhiều so với mức trung bình của tất cả các nước được khảo sát.
Theo ông Atsusuke Kawada, môi trường đầu tư của Việt Nam đang có xu hướng xấu đi dưới góc nhìn của các DN Nhật Bản, trong 5 hạng mục có rủi ro cao nhất, các câu trả lời quan ngại đều chiếm đa số. Đặc biệt, đối với hạng mục thủ tục hải quan phức tạp, đã tăng từ mức 53,9% của năm 2012 lên 64,5% năm 2013.
“Đây là một trở ngại trong thu hút đầu tư vào Việt Nam”, ông Atsusuke Kawada nói và cho rằng, mặc dù trong năm 2013, đã có nhiều sắc luật được sửa đổi, trong đó có đề cập đến vấn đề nới việc cấp phép cho lao động nước ngoài nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nhưng về tốc độ, Việt Nam cần có sự cải thiện nhanh và mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, báo cáo của JETRO cũng chỉ ra những rủi ro liên quan đến vấn đề tăng lương, cũng như những khó khăn trong nội địa hóa nguyên liệu, vật tư (chiếm đến hơn 60% chi phí sản xuất), đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam tăng 4,3 điểm phần trăm so với năm trước đó, chiếm 32,2%, nhưng so với con số 64% của Trung Quốc, 53% của Thái Lan; 42% của Malaysia; 41% của Indonesia thì vẫn ở mức thấp và khiêm tốn.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tỷ lệ nội địa hóa (mua) từ các DN Nhật Bản tại nước sở tại có chiều hướng tăng lên, trong khi tỷ lệ mua từ các DN Việt Nam lại có xu hướng giảm.
“Vì vậy, để nâng cao tính cạnh tranh về chi phí thì việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt là tỷ lệ mua từ DN Việt Nam là vô cùng cần thiết, đồng thời không chỉ hỗ trợ DN nước ngoài mà cần hỗ trợ cả DN Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp phụ”, ông Atsusuke Kawada nói.
5 dự án đầu tư mới lớn nhất của Nhật Bản:
- Maruzen Foods (105 triệu USD)
- Terumo BCT (99 triệu USD)
- Y - Tec (84 triệu USD)
- Yazaki Trà Vinh (49 triệu USD)
- IHI Infrastrusture Asia (48 triệu USD)
5 dự án mở rộng lớn nhất của Nhật Bản
- Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (2,8 tỷ USD)
- Bridgestone (650 triệu USD)
- Panasonic Industrial Davices (175 triệu USD)
- Sai Gon Precision (130 triệu USD)
- Nidec Tosok (96 triệu USD)