Sáng ngày 28/1, Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Hội kế toán - Kiểm toán Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của Quốc hội đối với quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách nhà nước.
Tại hội thảo, PGS. TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng quản lý và sử dụng tài sản quốc gia là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi tổ quốc và mọi công dân.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có sự đánh giá đúng và đủ toàn bộ tài sản quốc gia, còn thiếu sự ghi chép, kiểm kê, kiểm soát tập trung toàn bộ tài sản này. Ngay cả những tài sản hình thành do đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, từ kinh phí và công sức đóng góp của cộng đồng dân cư cũng chưa được xác định giá trị phù hợp khi kết thúc đầu tư và chưa được phản ánh trong tổng kế toán quốc gia.
Vấn đề khai thác, sử dụng tài sản quốc gia phục vụ cho nhân dân, đất nước là điều cần thiết. Song, việc phân định đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu đích thực trong phạm vi sở hữu toàn dân chưa rõ ràng và không phù hợp.
Có không ít trường hợp, tài sản quốc gia đã được chuyển nhượng, mua bán chiếm đoạt sai luật pháp hoặc khai thác, sử dụng đem lại lợi ích cho một nhóm người, không đứng trên lợi ích toàn dân.
Ví dụ như việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao và cấp đất, giao hoặc cho thuê đất trồng rừng, bờ biển, cho thuê vỉa hè, sử dụng cột điện, khai thác tài nguyên…, một số trường hợp, lợi ích lớn nhất được hưởng là nhóm cá nhân, tổ chức, không phải nhân dân.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Lam Phong) |
Trong thể chế hiện đại, việc phân cấp và giao quyền quản lý, sử dụng khai thác tài sản quốc gia là cần thiết nhưng phải đi kèm với trách nhiệm giải trình thật rõ ràng gồm cả giải trình lên trên, với pháp luật và giải trình với nhân dân. Đây là lúc vai trò của Quốc hội trong công tác giám sát tình hình quản lý và sử dụng tài sản quốc gia được thể hiện vô cùng rõ nét.
Quốc hội là cơ quan của nhân dân và các đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho người dân, do người dân chọn ra thông qua hệ thống bầu cử. Các đại biểu Quốc hội sẽ mang đến Quốc hội những lợi ích, những yêu cầu và những hy vọng cho người họ đại diện. Bởi vậy Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Có không ít trường hợp, tài sản quốc gia đã được chuyển nhượng, mua bán chiếm đoạt sai luật pháp hoặc khai thác, sử dụng đem lại lợi ích cho một nhóm người
TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản quốc gia, chú trọng nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện các chính sách đầu tư, khai thác, bảo vệ tài sản quốc gia.
Hơn nữa, góp phần thực hiện hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản quốc gia, bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính, cũng như có chính sách khuyến khích cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước tham gia. Nhất là trong hoạt động đầu tư để phát triển tài sản quốc gia, nhận chuyển giao đầu tư, khai thác hoặc thuê quyền khai thác tài sản quốc gia, cung cấp dịch vụ về tài sản quốc gia.
Đồng thời, qua hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp khắc phục hữu hiệu, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản quốc gia. Từ đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành, từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý, sử dụng tài sản quốc gia bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Quốc hội góp phần nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài sản quốc gia. Đây là kênh cung cấp thông tin quan trọng cho người dân được biết về công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Nhìn chung, mục tiêu giám sát của Quốc hội về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước cần đảm bảo rằng, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quản lý và sử dụng tài sản quốc gia thỏa mãn được những nguyên tắc, thủ tục do Quốc hội đề ra và đảm bảo lợi ích công, lợi ích của nhân dân. Trong đó, Quốc hội cần hướng tới ba mục tiêu trọng tâm: mục tiêu về mặt nội dung, mục tiêu về mặt pháp lý và mục tiêu về mặt kinh tế.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh, trong một nhà nước pháp quyền, mục tiêu về pháp lý phải được thực thi một cách công bằng, bình đẳng và tuân thủ những nguyên tắc, thủ tục đã đề ra có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này đòi hỏi các cơ quan trong hệ thống công quyền phải có tính trung lập và bất thiên vị cao.
Về giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách quốc gia, ông Thanh kiến nghị cần tôn trọng quy trình giám sát, sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức, kỹ năng giám sát. Báo cáo giám sát, kiến nghị cần có căn cứ, thực tiễn và có tính khả thi.
Đồng thời, quan tâm đúng mực, sử dụng các kênh thông tin về tài sản nhà nước hàng năm qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua các báo cáo giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, qua ý kiến của cử tri, chuyên gia.
Theo đó, cần củng cố, tăng cường bộ máy Quốc hội và các cơ quan giúp việc, phục vụ Quốc hội, chú trọng tới nâng cao năng lực phân tích về kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát về lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước. Đặc biệt, ông Thanh khẳng định cần nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước trên cơ sở Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán Nhà nước nhằm đạt kết quả tốt nhất.